Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Khẳng định vai trò đại biểu người dân tộc thiểu số (bài 3)

09:20 - Thứ Tư, 26/04/2023 Lượt xem: 3088 In bài viết

Bài 3: “Cầu nối” người dân với chính quyền

ĐBP - Những năm qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã triển khai hiệu quả nhiều dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó góp phần xóa bỏ các hủ tục, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đạt được kết quả đó có đóng góp không nhỏ của những đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số đã làm tốt vai trò “cầu nối” giữa người dân và chính quyền các cấp.

Bài 1: Vì quyền lợi của dân mà hành động

Bài 2: Củng cố, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc

Mô hình trồng dứa mật ở bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên có sự đóng góp không nhỏ của đại biểu Lò Văn Biển, HĐND xã Mường Nhà.

Đến xã Mường Nhà, huyện Điện Biên hôm nay chúng ta dễ dàng bắt gặp những nương dứa phủ kín sườn đồi. Cây dứa đã được cấp ủy chính quyền xã lựa chọn là một trong những cây trồng chủ đạo, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Cây dứa bén dễ lần đầu tiên tại đất Mường Nhà vào những năm đầu của thập niên 90, khi người dân bản Pu Lau đi thăm người thân bên Lào mang về trồng thử. Thấy quả to, vị ngọt đậm, màu vàng óng như mật ong nên người dân trong bản đã nhân giống trồng xen trên nương sắn, nương ngô, khu vực đất dốc. Đến nay, diện tích trồng dứa tại Mường Nhà tăng lên 60ha, từ bản Pu Lau đã nhân rộng ra 6/12 bản, sản lượng đạt gần 200 tấn/năm, mang lại nguồn thu từ 1,5 – 2 tỷ đồng/năm.

Cây dứa được lựa chọn và nhân rộng trên địa bàn có công lớn của người “đứng mũi chịu sào” là ông Lò Văn Biển, dân tộc Lào, Chủ tịch UBND xã, đại biểu HĐND xã Mường Nhà, đại biểu HĐND huyện Điện Biên nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ông Biển cho biết: Tôi được nghe người dân nói nhiều về hiệu quả kinh tế của cây dứa, nguyện vọng của bà con là muốn được hỗ trợ phát triển cây dứa. Tôi đã họp lãnh đạo xã, đi kiểm tra tình hình thực tế. Nhận thấy cây dứa Pu Lau phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, có chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó xác định đây là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc, thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập. Hội đồng nhân dân xã cũng nhất trí cao về chủ trương này. Năm 2022, UBND xã đã tổ chức lễ phát động ra quân trồng dứa hỗ trợ người dân với sự tham gia của các cán bộ, đoàn thể xã cùng chiến sĩ Đồn biên phòng Mường Nhà và Đoàn kinh tế Quốc phòng Quân khu II. Trong năm 2022, xã đã trồng mới 4ha dứa tại bản Pu Lau. UBND xã Mường Nhà cũng báo cáo với huyện về chủ trương phát triển cây dứa và đề nghị các cấp, ngành hỗ trợ. Sau đó Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với xã nghiên cứu nhân giống dứa mật Pu Lau theo hình thức cấy mô nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc dứa cho người dân. Mục tiêu nhân rộng khoảng 10ha dứa mỗi năm. Để tiếp cận thị trường, giúp dứa có đầu ra ổn định và hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất, xã đã thành lập Hợp tác xã dứa Pu Lau với 10 thành viên. Thực hiện ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đồng Giao. Hiện nay xã đang nghiên cứu xây dựng dứa Pu Lau trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.

Ông Mùa A Dụa, đại biểu HĐND xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo nhiệm kỳ 2021 – 2026 lại là người tâm huyết với mục tiêu đưa cây dược liệu thành cây xóa đói giảm nghèo cho người dân trong xã. Ông Dụa chia sẻ: Xã Tênh Phông có nhiều rừng nguyên sinh ở độ cao trên 1.000m, khu vực núi Tênh Phông mát, ẩm quanh năm phù hợp trồng các loài sâm Việt Nam. Nhiều loài dược liệu quý, đang được khai thác với trữ lượng tương đối lớn như: Thảo quả (83ha), sơn tra (56,4ha), gừng, nghệ... Một số cây dược liệu tự nhiên bản địa khác như: Huyết giác, khúc khắc, bình vôi, đẳng sâm, cẩu tích. Ðặc biệt có nhiều loại dược liệu quý hiếm có giá trị như: Sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, hoàng tinh hoa trắng, đẳng sâm, đương quy, tam thất hoang. Trong đó sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh đang được trồng mô hình thí điểm với diện tích khoảng 0,2ha tại bản Ten Hon. Các cây dược liệu nhập nội như đương quy, atiso đã được các hộ dân trồng tại bản Ten Hon.

Ông Trần Bình Trọng, Phó Chủ tịch HĐND huyện Tuần Giáo đánh giá về sự đóng góp của các đại biểu người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Sinh sống ở Tênh Phông, hiểu rõ tiềm năng của địa phương và thấu hiểu nguyện vọng của nhân dân về phát triển cây dược liệu, đại biểu Mùa A Dụa đã nhiều lần gửi kiến nghị của cử tri đến huyện, tỉnh, các cơ quan chức năng sớm quy hoạch, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đưa Tênh Phông thành vùng phát triển cây dược liệu quý của huyện, của tỉnh. Từ đó mở hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Theo thống kê, huyện Tuần Giáo hiện có 494,6ha trồng cây dược liệu các loại, bao gồm thảo quả 83,5ha (sản lượng 58,5 tấn), sa nhân 140ha (sản lượng 18,2 tấn), sơn tra 206,1ha (sản lượng 309,2 tấn), ý dĩ 65ha (sản lượng 88,4 tấn), hoa hồi 15ha (5ha đã cho thu hoạch quả, 10ha mới trồng), phân bố chủ yếu trên địa bàn xã Tênh Phông. Bên cạnh đó, hiện nay đã có một số hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và một số cây dược liệu có giá trị. Trong đó khoảng 50.000 cây sâm 1 tuổi (đa phần là sâm Ngọc Linh), 10.550 cây từ 2 - 4 tuổi là (gồm 5.550 cây sâm Ngọc Linh, 5.000 cây sâm Lai Châu); 12.500 cây tam thất, 5.500 cây thất diệp nhất chi hoa, 100 cây hoàng tinh hoa trắng và 200m2 trồng lan kim tuyến.

Ông Mùa A Dụa, đại biểu HĐND xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo tâm huyết phát triển cây dược liệu thành cây xóa đói giảm nghèo cho người dân trong xã. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Tuần Giáo thăm mô hình cây dược liệu ở xã Tênh Phông.

Ông Trần Bình Trọng, Phó Chủ tịch HĐND huyện Tuần Giáo cho biết: Huyện đã nhận thấy tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng Tênh Phông, và nguyện vọng của người dân cũng rất lớn. UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chủ trì, phối hợp với các phòng ban liên quan và UBND xã khảo sát điều kiện tự nhiên và nguyện vọng của người dân để đưa Tênh Phông thành vùng phát triển cây dược liệu quý của tỉnh. Dự án đã được HĐND tỉnh thông qua, có tổng mức hỗ trợ trên 70 tỷ đồng. Dự án được triển khai đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho trên 90% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Dự kiến đến năm 2025, xã Tênh Phông sẽ phát triển khoảng 200ha các chủng loại dược liệu (gồm 20ha sâm Lai Châu, 20ha sâm Ngọc Linh, 20ha lan kim tuyến, 20ha bảy lá một hoa, 70ha tam thất bắc, 50ha sa nhân tím).

Đại biểu người dân tộc thiểu số sinh sống ở cơ sở, gần gũi với bà con nên có nhiều lợi thế về ngôn ngữ, văn hóa, hiểu được phong tục tập quán của người dân và nắm rõ được điều kiện tự nhiên, tiềm năng của địa phương. Từ đó mạnh dạn đề đạt, kiến nghị đến các cấp thẩm quyền, các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo phù hợp với thực tế địa phương.

Bài 4: Để đại biểu người dân tộc thiểu số phát huy vai trò

Bài, ảnh: Văn Tâm – Tuấn Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top