Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Bài 4: Để đại biểu người dân tộc thiểu số phát huy vai trò
ĐBP - Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định đại biểu HĐND người dân tộc thiểu số có vai trò, vị trí rất quan trọng, những nhiệm kỳ qua, tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo có đại diện tiêu biểu của các dân tộc, độ tuổi, giới tính, ngành nghề. Thực tiễn cho thấy, đại biểu là người dân tộc thiểu số tham gia cơ quan dân cử ở địa phương đã làm tốt nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu nhân dân.
Bài 1: Vì quyền lợi của dân mà hành động
Việc tăng cường sự tham gia của đại diện người dân tộc thiểu số vào cơ quan dân cử ở địa phương là một chủ trương đúng đắn nhưng cũng là công việc khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh. Trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp, tỉnh Điện Biên đã nỗ lực đảm bảo tính đại diện của các dân tộc, các tổ chức, đoàn thể, các ngành, các giới.
Điều này được thể hiện rõ qua từng nhiệm kỳ của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XII, nhiệm kỳ 2004 - 2011 (đây là nhiệm kỳ đầu tiên sau khi chia tách tỉnh Lai Châu cũ thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên) có 70% đại biểu người dân tộc thiểu số trong tổng số 50 đại biểu HĐND tỉnh; nhiệm kỳ 2011 – 2016 đạt 68% tổng số 50 đại biểu HĐND tỉnh, ở cấp huyện bình quân 62,7% và cấp xã bình quân 85%. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỉ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số 28/51 đại biểu, chiếm 54,9% tổng số đại biểu HĐND tỉnh và nhiệm kỳ 2021 - 2026 tỉ lệ này đạt 57,69%.
Theo đánh giá của HĐND tỉnh Điện Biên, đây là những người ưu tú, hạt nhân tiêu biểu đại diện cho các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Một điểm tích cực là nếu như trước đây chỉ có một vài dân tộc (Mông, Thái, Hà Nhì, Lào) có đại biểu HĐND thì những nhiệm kỳ gần đây thành phần các dân tộc khác, đặc biệt các dân tộc ít người, rất ít người như: Khơ Mú, Cống, Si La, Kháng… đã có đại diện tham gia vào các cơ quan dân cử ở địa phương. Cụ thể, trong 2 nhiệm kỳ đầu tiên sau tách tỉnh, chỉ có 13/19 dân tộc thiểu số có đại biểu tham gia cơ quan dân cử ở địa phương, thì 2 nhiệm kỳ tiếp theo đã có 19/19 dân tộc có đại biểu tham gia HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh. Trong đó nhiều đại biểu người dân tộc thiểu số đã và đang giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp. Cùng với đó, chất lượng các đại biểu người dân tộc thiểu số qua từng nhiệm kỳ được chú trọng nâng cao. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, số đại biểu là đảng viên đạt 88%; có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học đạt 70%, trung cấp 22%; trình độ lý luận chính trị cao cấp 66%, trung cấp 6% và sơ cấp 8%, thì những nhiệm kỳ sau chất lượng ngày càng nâng lên. Cụ thể nhiệm kỳ 2011 - 2016, đại biểu là đảng viên đạt 92%; trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 80%; trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân 78%. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, đại biểu có trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 94%; lý luận chính trị cao cấp và cử nhân 92%. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, đại biểu có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên đạt 98% và 100% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Đây là minh chứng sinh động và thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với công tác đào tạo, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là tham gia vào cơ quan dân cử ở địa phương. Qua đó góp phần làm nên sự thành công, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trên mọi lĩnh vực.
Việc cơ cấu đảm bảo thành phần dân tộc và chất lượng đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển và sự kỳ vọng của cử tri, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc. Hoạt động của HĐND các cấp ngày càng hiệu lực và hiệu quả hơn; các nghị quyết của HĐND được triển khai thuận lợi đến với cử tri và Nhân dân. Đồng thời, việc tiếp thu và phản ánh kịp thời ý chí, nguyện vọng của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền cũng sâu sát hơn, kịp thời hơn.
Đại biểu Hù Chà Vì, dân tộc Si La, đại biểu HĐND huyện Mường Nhé, cho biết: “Là người địa phương, mình thuận lợi trong tiếp xúc, thấu hiểu hơn những trăn trở, suy nghĩ của bà con. Với những cử tri không nói được tiếng phổ thông, mình vẫn hiểu được. Từ đó, cử tri cũng cởi mở bày tỏ tâm tư nguyện vọng hơn!”.
Trên thực tế, các đại biểu là người dân tộc thiểu số có nhiều lợi thế, nhất là việc biết tiếng địa phương, hiểu được phong tục tập quán của người dân, từ đó phát huy hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Từ những nhiệm kỳ đầu tiên đến nay, các đại biểu người dân tộc thiểu số đã nêu cao tinh thần trách nhiệm là người đại diện của nhân dân, tích cực nghiên cứu, nâng cao chất lượng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, giữ đúng lời hứa với cử tri trong quá trình tranh cử. Đồng thời, chủ động thu thập thông tin để tham gia phát biểu, chất vấn trong các kỳ họp. Nắm bắt kịp thời tình hình địa phương nơi ứng cử để trực tiếp giải thích, đối thoại với nhân dân tại các buổi tiếp xúc cử tri. Trong các kỳ họp HĐND, các đại biểu này đã lựa chọn các vấn đề trọng tâm, bức xúc cử tri quan tâm để yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ. Một số đại biểu kiên trì đeo bám vấn đề đã chất vấn, kiến nghị đến khi có kết quả, đóng góp tích cực cho hoạt động của HĐND, tạo niềm tin tưởng của cử tri.
Những nhiệm kỳ qua, các đại biểu là người dân tộc thiểu số đã phát huy được trách nhiệm, nghĩa vụ đại diện cho hơn 105.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và nhân dân các dân tộc tỉnh Điên Biên nói chung. Họ đã lắng nghe tiếng nói của cử tri và nhân dân bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đề đạt tới nghị trường với nhiều ý kiến quan trọng đóng góp vào thành tựu to lớn của HĐND các cấp trong những nhiệm kỳ qua.
Bài 5: Đóng góp tích cực vào thành công chung