Đề nghị làm rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra lãng phí

10:59 - Thứ Năm, 25/05/2023 Lượt xem: 5036 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (25/5), Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận và một số nội dung quan trọng khác.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV ngày 25/5/2023.

Tham gia ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, thời gian qua có lãng phí trong quy hoạch, thực hiện quy hoạch, ví dụ lãng phí khi chậm đưa đất được giao vào sử dụng; Lãng phí khi mà hàng trăm dự án năng lượng tái tạo đã được Nhà nước thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng, thế nhưng khi xây dựng xong thì lại không thể đấu nối, phát điện, trong khi nền kinh tế thiếu điện, phải tăng cường mua điện của Lào, Trung Quốc; Lãng phí trong sử dụng các nguồn vốn ngân sách, tình trạng “vốn chờ thủ tục” còn phổ biến; Lãng phí trong thực thi các chính sách, giải pháp đã được Quốc hội ban hành, như các chính sách nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19, chế độ cho y tế tuyến đầu, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân cũng là do nhiều văn bản quy định chi tiết chậm được ban hành, việc dự báo, tính toán nhu cầu của một số chính sách lại chưa sát thực tế nên kết quả thực hiện không đạt như dự kiến, không giải ngân được. Đại biểu đề nghị giao Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo với Quốc hội ở kỳ họp tiếp theo.

Về về việc điều chỉnh tăng giá điện, đại biểu Tạ Thị Yên thông tin, từ năm 2010 đến nay Tập Đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện và đến nay vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện. Nhiều cử tri thắc mắc, cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ thì báo lỗ trong khi các công ty con thì vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022? Đề nghị làm rõ nguyên nhân về tình trạng thua lỗ này.

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV ngày 25/5/2023.

Về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng đề xuất thời gian thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023 là quá ngắn. Đề nghị dự báo tình hình, bối cảnh kinh tế - xã hội năm 2024 để có đề xuất phù hợp.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 Chính phủ nêu. Bên cạnh những nguyên nhân được nêu trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu nhấn mạnh thêm một số nguyên nhân mà từ thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ của địa phương cần phải đề cập, đó là: Quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo Chỉ thị 13/CT-TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư và Luật Lâm nghiệm năm 2017 gây ra rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư dự án, ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn; Vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ Tài chính do ngồn vốn sự nghiệp chỉ được sử dụng để bảo dưỡng, sửa chữa các công trình, không được nâng cấp, cải tạo. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công còn hạn hẹp, đầu tư chưa đồng bộ, khi có nguồn vốn sự nghiệp muốn mở rộng, nâng cấp, cải tạo thì lại không thực hiện được; Khó khăn trong việc thực hiện văn bản số 1810/BYT-KHTC ngày 03/4/2023 của Bộ Y tế về việc từ năm 2023, các địa phương tự chủ động bố trí kinh phí và triển khai mua sắm, đấu thầu, cung ứng vắc xin cho tiêm chủng mở rộng. Đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, năm 2023 các địa phương đã có dự toán ngân sách nhà nước và không dự toán cho việc mua sắm vắc xin, do đó không biết sẽ huy động nguồn lực từ đâu. Hiện tại các thông tư, văn bản vẫn hướng dẫn theo hướng giao Bộ Y tế chủ trì mua sắm và cung ứng cho các địa phương. Nếu giao địa phương tự mua sắm, đấu thầu thì nguồn cung ứng vắc xin như thế nào? Giá cả ra sao? Việc bảo quản vắc xin sẽ khó khăn do cơ sở hạ tầng của địa phương chưa đáp ứng. Việc tiêm chủng cho người từ địa phương khác, tiêm nhắc lại các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ như thế nào vì giao địa phương tự mua sắm sẽ xảy ra trường hợp các địa phương sẽ mua sắm các loại vắc xin khác nhau...

Tin, ảnh: Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top