Phòng chống tham nhũng, tiêu cực là “xu thế không thể đảo ngược”

06:36 - Thứ Bảy, 27/05/2023 Lượt xem: 5349 In bài viết

ĐBP - Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với sự ra đời, hoạt động của nhà nước. Đây là thứ tệ nạn đặc biệt nguy hiểm, được ví như “quốc nạn”, “giặc nội xâm”, gây hậu quả to lớn đối với đời sống xã hội, thậm chí sự tồn vong của chế độ và Tổ quốc. Bởi vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là mệnh lệnh sống còn của Đảng, là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược”. Thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định, tham ô, tham nhũng là “giặc nội xâm”, nó sinh ra hàng trăm thứ bệnh. Vì vậy, theo Người cần kiên trì, kiên quyết đấu tranh để loại trừ nó. Ngay khi nước nhà mới giành được độc lập, trong  bức thư đầy tâm huyết gửi tới Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (đăng trên báo Cứu quốc, số 69, ngày 17/10/1945). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch rõ những thói hư tật xấu dễ mắc phải của cán bộ mà Người gọi đó là “Những lỗi lầm rất nặng nề” gồm: “Trái phép”, “Cậy thế”, “Hủ hóa”, “Tư túng”, “Chia rẽ”, “Kiêu ngạo”. Chính những thói hư, tật xấu này đã làm cho cán bộ xa dân, không làm tròn trách nhiệm của một “công bộc” đối với dân, vừa làm mất lòng tin đối với dân, vừa không giữ được uy tín cho Chính phủ.

Theo Người, “Tham nhũng là kẻ thù nguy hiểm của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ..., vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta... Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng ta là cần- kiệm - liêm - chính”. Tác hại do tham nhũng gây ra cực kỳ lớn. Nó không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ; làm rối loạn kỷ cương pháp luật, hư hỏng cán bộ, triệt tiêu động lực cơ bản nhất của sự phát triển. Vì vậy, “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị”. Cho nên Người kiên quyết: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”. Sự kiên quyết của Người thể hiện qua những sắc lệnh được ban hành ngay sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Đó là Sắc lệnh (ngày 27/11/1945) ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ sẽ bị phạt từ 5 - 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ; Quốc lệnh (ngày 26/1/1946) khép tội trộm cắp của công vào tội tử hình, trong đó ghi rõ: Phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Vụ án hình sự xử tử hình nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu, năm 1950 chính là ví dụ điển hình.

Trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, vận dụng sáng tạo những căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ ra tham nhũng hiện vẫn là một “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” tàn phá đất nước từ bên trong. Từ việc xác định tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong  của Đảng, của chế độ, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng đã xác định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…”. Đảng ta xem cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân, đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta tiến hành một cách trực tiếp, thường xuyên với sự tham gia, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn xã hội. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023) và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2013 - 2023), cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được ra mắt, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng và đón nhận.  Cuốn sách không chỉ thể hiện rõ tư duy lý luận, nhận thức ngày càng sâu sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà Cuốn sách còn là sự quan tâm sâu sắc, quyết tâm của Tổng Bí thư đối với những nhiệm vụ trọng yếu của Đảng để xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”. Đồng thời, cuốn sách còn khẳng định phòng chống tham nhũng, tiêu cực là mệnh lệnh sống còn của Đảng.

Trong tác phẩm, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả”. Đồng thời, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược”. “Khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Vì thế “nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm” và “việc xử lý cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh từ trên đầu nhiều hơn…

Đồng thời, Tổng Bí thư đã tổng kết các bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Trên cơ sở đó, để công tác phòng chống tham nhũng đạt được hiệu quả cao, Tổng Bí thư cũng đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam thời gian tới là: Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế; Đẩy mạnh phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; Hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về phòng ngừa tham nhũng tiêu cực; Xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vững mạnh, mở rộng hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước.

Trong bối cảnh công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hết sức khó khăn, phức tạp, việc triển khai sâu rộng những tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như của Đảng ta trong Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” có ý nghĩa rất sâu sắc và giá trị đặc biệt quan trọng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh” thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trần Văn Toàn (Trường Chính trị Lê Duẩn)
Bình luận

Tin khác

Back To Top