Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét công bố hết COVID-19 tại Việt Nam

15:48 - Thứ Hai, 29/05/2023 Lượt xem: 3511 In bài viết

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng Việt Nam có thể yên tâm công bố khi đã đủ điều kiện về tỉ lệ bệnh nặng, đạt tỉ lệ bao phủ vaccine rộng, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã ổn định.

Nên xem xét công bố hết COVID-19 tại Việt Nam

 Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định)

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng nên xét công bố hết dịch COVID-19. Theo đại biểu, Việt Nam có thể yên tâm công bố khi đã đủ điều kiện về tỉ lệ bệnh nặng, đạt tỉ lệ bao phủ vaccine rộng, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã ổn định. Theo đó, dịch bệnh COVID-19 có thể được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B tức là tương tự như các bệnh lý chuyên khoa khác. Khi đó, việc chi trả cũng cần thực hiện như những bệnh lý chuyên khoa khác. 

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, trải qua 3 năm chống dịch, cần rút bài học kinh nghiệm từ những thành công và sai lầm trong quá khứ. Không thể không thấy sự cố gắng của mọi tầng lớp xã hội, chung tay chống dịch để có những việc tưởng như không thể mà đã hoàn thành trong thời gian rất ngắn và rất tốt như việc thành lập Quỹ vaccine, tiêm vaccine diện rộng, thành lập các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19; hàng nghìn bệnh nhân nặng và nguy kịch đã được chữa khỏi… Bên cạnh đó, qua đại dịch cũng những bài học kinh nghiệm. Vì vậy, cần khẩn trương chuẩn bị cả cơ sở vật chất, văn bản pháp luật, quy trình hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn các dịch khác và có thể khả năng COVID-19 bùng phát trở lại. 

Liên quan đến công tác phòng, chống đại dịch COVID -19, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia đã khống chế thành công nhất đại dịch COVID 19. Trong đó, chiến lược ngoại giao vắc xin rất tốt, rất nhanh và rất thành công, đã có đủ, kịp thời và có ngay vắc xin để tiêm phòng cho Nhân dân.

Đại biểu đồng tình với đánh giá của Đoàn giám sát nêu: Quốc hội trân trọng sự chung sức đồng lòng của Nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp vào công cuộc phòng, chống COVID. Đây là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình thương. Thấu hiểu điều này, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch cho các lực lượng, các địa phương, các đơn vị; làm tốt hơn nữa công tác biểu dương, khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân tham gia phòng chống dịch.

Đại biểu cũng đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam, vì đã là quá muộn để nghiên cứu sản xuất loại vaccine này, mà cần tìm mua loại vắc xin tốt, với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho Nhân dân.

Sớm có giải pháp về sử dụng kinh phí vận động phòng, chống dịch 

 Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre)

Dịch COVID-19 tạo ra những hoàn cảnh chưa có tiền lệ, nhiều vấn đề phát sinh chưa có quy định, hoặc nếu có sự hướng dẫn cũng chưa được thống nhất, đồng bộ… Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre), việc giải quyết tại thời điểm hiện tại cũng phải đặt trong bối cảnh này để có hướng xử lý sao cho phù hợp.

Một ví dụ được đại biểu đưa ra là ở địa phương trong quá trình phòng, chống dịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ có nhiều văn bản hướng dẫn việc sử dụng nguồn kinh phí vận động, trong đó có cho phép đối với các tỉnh có dịch bệnh phức tạp thì ưu tiên kinh phí vận động cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương ngoại trừ nguồn ủng hộ có ghi rõ mua vaccine và sau đó sẽ nộp số tiền còn lại về Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19 của Trung ương và thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã sử dụng nguồn kinh phí vận động này để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương và từng nội dung sử dụng. Phân bổ kinh phí phòng, chống dịch đều có báo cáo xin ý kiến và trình cho Thường trực Tỉnh ủy để phê duyệt.

"Tuy nhiên, qua kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm vừa rồi, căn cứ theo hướng dẫn của Chính phủ, Kiểm toán cũng đã yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phải nộp về Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID -19 Trung ương toàn bộ số tiền theo mức 80% tổng số tiền vận động cho công tác phòng, chống dịch. Trong khi nguồn kinh phí vận động này của tỉnh đã chi cho công tác phòng, chống dịch hiện còn ít cũng không thể nộp đủ theo đề nghị của Kiểm toán nhà nước", đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu thực tế và cho biết, tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều tỉnh khác. Do vậy, đại biểu đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp tình hình chung của các địa phương để phối hợp cùng với Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn này cho các địa phương. 

Ở khía cạnh khác, đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) đề nghị Chính phủ và các địa phương tiếp tục rà soát để đề nghị vinh danh khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc khi tham gia công tác phòng chống dịch. Đại biểu cho rằng, đây là quy định hết sức phù hợp, đặc biệt là trong điều kiện đất nước chúng ta vừa trải qua đại dịch chưa từng có trong lịch sử với nhiều bài học tín hiệu về ứng phó với các tình huống dịch bệnh, các bệnh thảm họa, thiên tai, chiến tranh, trong đó có bài học về chủ động.

Về chế độ, chính sách cho lực lượng gián tiếp cùng tham gia phòng, chống dịch, địa biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan xem xét bổ sung chính sách và tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với đội ngũ lái xe, hành chính, kế toán và các cán bộ khác trong hệ thống y tế dự phòng.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top