Cần có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia

16:34 - Thứ Tư, 31/05/2023 Lượt xem: 4391 In bài viết

ĐBP - Đó là phát biểu của đồng chí Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh trong phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, diễn ra sáng nay (31/5). 

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 31/5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Khó khăn trong giải ngân nguồn vốn sự nghiệp

Đại biểu cho biết, vướng mắc nhất khi thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia là giải ngân nguồn vốn sự nghiệp. Vốn sự nghiệp hàng năm của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được Trung ương giao tổng vốn của năm đó cho địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ đảm bảo không chồng chéo với 02 chương trình còn lại. 

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vốn sự nghiệp được giao chi tiết cho từng địa phương, theo từng dự án thành phần, giao cụ thể đến từng nội dung thuộc các lĩnh vực (sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hoá, kinh tế…) dẫn đến nhiều nội dung không phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương, nội dung cần thì không được phân bổ, có nội dung thì được phân bổ quá nhiều, vượt quá nhiệm vụ chi, không thể giải ngân được. Địa phương không được tự điều chỉnh vì thẩm quyền này của Trung ương. 

“Việc giao vốn như hiện nay không sai so với quy định của pháp luật hiện hành nhưng làm giảm tính chủ động của địa phương và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách. Đề nghị Quốc hội có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia, trên tinh thần cho phép địa phương được chủ động điều chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, vì nếu thực hiện các thủ tục trình Trung ương điều chỉnh sẽ mất rất nhiều thời gian. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét đưa nội dung này vào Nghị quyết kỳ họp” - ĐBQH Tạ Thị Yên nhấn mạnh.

Trách nhiệm “lãnh ấn tiên phong” trong quá trình số hóa

ĐBQH Tạ Thị Yên cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, cần có một số ngành có trách nhiệm “lãnh ấn tiên phong” đi đầu trong quá trình số hóa, trong đó có ngành Tài chính, Ngân hàng. 

Nhiều kết quả khả quan đạt được sau hai năm triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều đề án, chương trình, kế hoạch thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đồng thời đang nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một loại hình ngân hàng số mới xuất hiện (neobank) vẫn chưa thực sự được quan tâm, định hướng, dẫn dắt.

Ngân hàng số (neobank) hướng tới các dịch vụ được cá nhân hóa, ưu tiên sự tiện lợi trên nền tảng kỹ thuật số và công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong mô hình vận hành ở đây. Ngân hàng số (neobank) đã thay đổi bối cảnh ngành tài chính khi giúp ích được rất nhiều cho khách hàng trên cơ sở cung cấp nhiều tính năng vượt trội, những giải pháp tối ưu nhất mà ngân hàng truyền thống không làm được với tốc độ nhanh hơn, chi phí rẻ hơn, xử lý hiệu quả hơn và đặc biệt là tất cả các nền tảng đều được tích hợp chỉ trong một ứng dụng di động. 

Đại biểu cho rằng, đây là cách đưa dịch vụ ngân hàng tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo để thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện và có thể trở thành động lực, điểm nhấn trong chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. 

Cần chú trọng công tác dự báo tình hình

ĐBQH Tạ Thị Yên phân tích, đất nước ta với hơn 100 triệu dân có nền kinh tế mở với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2022 đạt 730,2 tỷ USD, gấp 1,8 lần GDP. Bởi thế, bên cạnh những yếu kém nội tại vốn có của một nền kinh tế chuyển đổi, thì bất kỳ sự thay đổi nào của thị trường thế giới cũng có tác động nhiều chiều đến kinh tế trong nước.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức; áp lực lạm phát tăng cao, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, động lực tăng trưởng suy giảm mạnh chủ yếu chịu tác động từ bên ngoài như giá một số nguyên, nhiên vật liệu đầu vào biến động mạnh, thiếu hụt nguồn cung đầu vào, thị trường xuất khẩu thu hẹp do sức cầu tại các thị trường lớn suy yếu... Ngoài ra, còn có những khó khăn trong nước như dòng vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh, chi phí lãi vay tăng cao, việc tiếp cận vốn từ hệ thống ngân hàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ...

“Tôi cho rằng, cần đặc biệt chú trọng tới công tác đánh giá, phân tích, dự báo thị trường cả trong và ngoài nước, nhất là khi có những biến động lớn về thị trường xuất, nhập khẩu bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng” – Đồng chí Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh. 

Ví dụ, trong sự giảm sút của các ngành Công nghiệp gia công, chế biến thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ… ngoài tình hình thị trường còn có sự cạnh tranh trong chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất do giá lao động, tỷ giá, lãi suất, chi phí môi trường… làm cho sản phẩm của chúng ta làm ra đắt hơn thì họ phải di chuyển sản xuất đi quốc gia khác, tương tự như nhiều chục năm nay chúng ta nhận chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất từ các nước có nền công nghiệp tiên tiến hơn của ta. 

Hay như các hàng rào kỹ thuật của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế về xuất xứ hàng hóa, môi trường, sản xuất xanh, giảm khí thải các-bon, lao động, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa, kiểm dịch… cũng là những trở ngại, đôi khi là “bất chợt” khiến cho các doanh nghiệp bị lúng túng.

“Vấn đề là chúng ta cần nhìn xa hơn, rộng hơn, sớm nhìn ra những vấn đề của chính mình trong bối cảnh có sự liên hệ chặt chẽ, mật thiết với thế giới còn lại, làm nền tảng cho sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương được bài bản, khoa học, sát với thực tiễn” - ĐBQH Tạ Thị Yên nêu ý kiến.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top