Đôi điều cảm nhận về cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

08:22 - Thứ Năm, 01/06/2023 Lượt xem: 10153 In bài viết

ĐBP - Ban Nội chính Trung ương và Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức ra mắt Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúng dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023). Việc xuất bản cuốn sách dành được sự quan tâm sâu sắc của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bối cảnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) ở nước ta đã và đang được Đảng chỉ đạo quyết liệt, trở thành cuộc chiến không khoan nhượng với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Cuốn sách thu hút người đọc với phong cách báo chí, vừa sinh động, chặt chẽ và logic, đã lý giải hàng loạt những câu hỏi như: Tham nhũng, tiêu cực là gì? Nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về PCTNTC? Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn? Cuộc đấu tranh PCTNTC có điểm dừng?... Điều thực sự gây ấn tượng đối với người đọc là nội dung cuốn sách gồm tập hợp những bài viết thể hiện rất rõ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư về các vấn đề xây dựng Đảng, PCTNTC và phát triển đất nước. Đồng thời phản ánh giá trị tư tưởng, quan điểm và bài học rút ra dựa trên lý luận và thực tiễn của Tổng Bí thư trong PCTNTC như: “Phòng là cơ bản, lâu dài, chống là cấp bách, thực tế”; “chống tham nhũng, tiêu cực phải không nghỉ, không ngừng”…

Tôi ấn tượng sâu sắc khi đọc những bài viết của Tổng Bí thư phê phán những biểu hiện tiêu cực, thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên và quan điểm của Tổng Bí thư về vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng ngay từ khi Tổng Bí thư đang còn là một cán bộ công tác tại Tạp chí Cộng sản. Như bài “Bệnh sợ trách nhiệm” được viết cách đây vừa tròn nửa thế kỷ (năm 1973). Mở đầu bài viết, Tổng Bí thư nêu câu nói của Bác Hồ: “Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải là người lãnh đạo”. Và Tổng Bí thư đã chỉ ra biểu hiện để có thể nhận diện đó là: “Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ”. Cho đến nay, “bệnh sợ trách nhiệm” dường như vẫn chưa thuyên giảm nếu không muốn nói là còn trầm trọng hơn trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là khi cuộc đấu tranh PCTNTC tiếp tục được đẩy mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới. Cùng với việc chỉ ra các biểu hiện của “bệnh sợ trách nhiệm”, Tổng Bí thư đã chỉ ra căn nguyên của căn bệnh này, đồng thời nêu quan điểm cần phải “nhanh chóng khắc phục bệnh sợ trách nhiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc của cán bộ, đảng viên  - nhất là những cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý”.

Ở bài viết “Của công, của riêng” đăng trên Tạp chí Cộng sản năm 1978 thể hiện quan điểm của Tổng Bí thư đối với tài sản của Nhà nước và ý thức giữ gìn, tiết kiệm. Ngay từ đầu bài viết đã nêu “mọi người trong xã hội đều có trách nhiệm và nghĩa vụ quý trọng, bảo vệ của công, sử dụng của công vào việc công với tinh thần hết sức tiết kiệm, đấu tranh chống mọi hành động tham ô, lãng phí, làm thiệt hại đến của công”. Trăn trở về thái độ đối với tài sản công, Tổng Bí thư đặt câu hỏi: “Nếu không nêu cao ý thức giữ gìn, tiết kiệm của công, thử hỏi chúng ta làm sao xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội?”. Trở lại thực tiễn hiện nay, mặc dù đất nước ta đang ngày càng phát triển với những tiềm lực, cơ đồ lớn nhưng việc thờ ơ, vô cảm, lãng phí đối với tài sản công cũng đã và đang là những trở lực không nhỏ ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng chỉ ra hiện tượng thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tài sản công, không nghiêm minh trong xử lý, tạo kẽ hở cho sai phạm nảy nở, lây lan. Cuối bài viết Tổng Bí thư luôn trăn trở và đặt ra câu hỏi về thái độ đối với tài sản công cho mỗi cán bộ, đảng viên “là những người phấn đấu theo đạo đức cách mạng, mỗi chúng ta nghĩ gì và làm gì để góp phần khắc phục những hiện tượng sai sót kể trên?”. Qua mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn thì câu hỏi này vẫn luôn mang tính thời sự và ngay cả trong thời điểm hiện nay khi hiện tượng tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công chưa được ngăn chặn một cách triệt để.

Hay trong bài viết “Móc ngoặc” và bài “Làm xiếc”, một lần nữa Tổng Bí thư lại thẳng thắn chỉ rõ biểu hiện tiêu cực của cán bộ, đảng viên trong nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước thời kỳ bao cấp (lương thực, thực phẩm, vật tư, thương nghiệp, giao thông...). Bài viết nêu rõ tệ nạn này diễn ra không phải là cá biệt mà “nó đã xảy ra ở nhiều nơi, nhiều ngành, cả trong một số cán bộ phụ trách”, trong khi đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo thì “bàng quan, vô trách nhiệm hoặc bị một số người cấp dưới nịnh hót, mua chuộc, đã buông lỏng, làm ngơ, thậm chí bao che cho những hành vi móc ngoặc”. Ở hiện tượng “làm xiếc” đồng chí đã chỉ ra biểu hiện quan liêu trong quản lý sản xuất, “dựng lên tình hình giả”, “đưa ra số liệu giả”, “làm kế hoạch gian lận”. Trong quá trình thực hiện thì “tìm mọi thứ phù phép, làm đủ trò “ảo thuật” để chuyển đổi, bớt xén hàng hóa, vật tư của Nhà nước, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước”... Bài viết cũng cho rằng “không phải ở nơi nào cũng thế, ở xí nghiệp, đơn vị nào cũng có cảnh như vậy. Không, chúng ta không vơ đũa cả nắm. Nhưng phải thừa nhận rằng, những hiện tượng “làm xiếc” như vậy đang diễn ra không phải ít”. Trước hiện tượng này, Tổng Bí thư đã nêu quan điểm: “Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh, làm tất cả những gì có thể làm được để hạn chế và từng bước xóa bỏ những hiện tượng “làm xiếc”. Và để làm được điều đó thì “chỉ cần mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là những người lãnh đạo, thật sự bắt tay vào thực hiện, thực hiện nghiêm chỉnh, kiên quyết, triệt để”.

Theo dõi quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh PCTNTC chúng ta có thể nhận thấy rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh vai trò, uy tín của cán bộ nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Và trong đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng phải luôn có tình đồng chí, nhân văn trong việc xử lý. Tư tưởng này được thể hiện rất rõ qua hai bài viết “Tình đồng chí”, “Chức vụ và uy tín”. Tổng Bí thư nêu quan điểm, “chức vụ càng cao thì uy tín càng lớn”. Để giữ được uy tín mỗi cán bộ, đảng viên “phải có ý chí, có nghị lực. Người ở cương vị càng cao càng phải hết sức chăm lo giữ gìn uy tín, vì uy tín của họ không phải đơn thuần chỉ là uy tín cá nhân mà còn liên quan đến uy tín chung của tập thể, của Đảng”. Về tình đồng chí của những người đảng viên Cộng sản, Tổng Bí thư nêu quan điểm: “Người cộng sản trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ cương vị nào cũng luôn luôn thương yêu sâu sắc, chân thành đồng chí, thông cảm, nhường nhịn đồng chí, biết lấy niềm vui, hạnh phúc của đồng chí làm hạnh phúc của mình”. Tuy nhiên, “sự yêu thương đồng chí của những người cộng sản không có nghĩa là bao che, tha thứ lỗi lầm, khuyết điểm của đồng chí mình”. Việc tự phê bình và phê bình có tác dụng rất lớn trong việc bảo đảm giữ gìn tình đồng chí, vì “nếu nể nang, né tránh, hoặc vì lý do nào đó mà không nghiêm khắc với khuyết điểm của đồng chí mình là làm hại đồng chí mình, đẩy đồng chí mình vào sự sa ngã và tội lỗi; như thế không phải là thương yêu đồng chí một cách đúng đắn”.

Nhiều thông tin, kiến thức hữu ích được đúc rút trong nội dung cuốn sách này, vì vậy mỗi người dân nhất là cán bộ, đảng viên khi đọc và nghiên cứu “cẩm nang” PCTNTC của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ hiểu rõ hơn, nhận diện đúng về thứ “giặc nội xâm”. Từ đó xác định rõ hơn trách nhiệm, động lực và niềm tin giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tích cực đấu tranh PCTNTC góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, cùng Nhân dân xây dựng đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh và hạnh phúc.

Tẩn Minh Long (Ban Nội chính Tỉnh ủy)
Bình luận

Tin khác

Back To Top