Phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng

16:22 - Thứ Năm, 01/06/2023 Lượt xem: 4767 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (1/6), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV thảo luận ở hội trường về giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận chiều 1/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Theo tờ trình số 231/TTr-CP ngày 16/5/2023 của Chính phủ thì số vốn còn lại của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa phân bổ là 14.151,685 tỷ đồng và kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương còn lại năm 2023 chưa phân bổ của các chương trình mục tiêu quốc gia là 1.208,188 tỷ đồng.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, nguyên nhân chậm phân bổ đã được chỉ ra trong tờ trình của Chính phủ gồm 04 nội dung, trong đó có nguyên nhân là quá trình xây dựng, phê duyệt dự án phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Nội dung này, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn và việc chậm triển khai các dự án chủ yếu là do vướng quy định này. 

“Mặc dù Luật Đất đai hiện hành quy định Hội đồng nhân dân tỉnh có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 20 héc ta, đối với đất trồng lúa dưới là 10 héc ta, nhưng khi Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền này lại vướng quy định tại Mục 5, Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư ban hành ngày 12/01/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nội dung này được đưa vào quy định tại khoản 2, Điều 14 Luật Lâm nghiệp 2017, có hiệu lực từ 01/01/2019 đó là “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”. Hiện nay, khi chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án, địa phương gặp rất nhiều khó khăn vì phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thủ tục mất rất nhiều thời gian” – Đại biểu Lò Thị Luyến phân tích.

Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Quốc hội quan tâm, rà soát, sửa đổi những quy định pháp luật còn có mâu thuẫn để tháo gỡ khó khăn cho địa phương, như vậy việc triển khai các dự án đầu tư công mới kịp thời, đảm bảo tiến độ theo quy định và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tin, ảnh: Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top