Cần lấp 'khoảng trống' pháp luật về công trình xây dựng trên không

16:11 - Thứ Tư, 21/06/2023 Lượt xem: 3584 In bài viết

Chiều 21/6, khi thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi), PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu vấn đề về việc cần thiết quy định trong Luật sửa đổi lần này là "công trình xây dựng trên không", nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc khai thác, quản lý tốt không gian trên không đã góp phần xây dựng nhiều thành phố hiện đại, có cảnh quan đẹp và tạo điều kiện phát triển kinh tế. Ảnh: VGP/LS

Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, đây là vấn đề mới, đang nổi lên ở các đô thị hiện nay mà chưa có quy định để áp dụng và xử lý trong thực tiễn.

Dù trước đó, các nội dung về "đất xây dựng công trình trên không" đã được quy định trong dự thảo Luật ngay từ đầu nhưng qua 4 lần cân nhắc, chỉnh sửa, đến nay dự thảo Luật đã bỏ quy định về "đất xây dựng công trình trên không".

Đại biểu nêu ví dụ: Có doanh nghiệp được giao hoặc cho thuê đất để xây dựng 2 tòa nhà cao tầng mà giữa 2 tòa nhà này là con đường do Nhà nước quản lý. Doanh nghiệp đề xuất xây dựng một cây cầu trên không kết nối 2 tòa nhà. Để xây dựng được 2 tòa nhà và hạng mục cầu nối trên cao thì doanh nghiệp phải được cấp giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, hạng mục cầu nối trên cao không được cấp phép xây dựng vì cầu nối này nằm phía trên khoảng không của đường giao thông do Nhà nước quản lý và chưa có quy định điều chỉnh nội dung giao hoặc cho thuê đất xây dựng công trình trên không.

Theo đại biểu, đây là vấn đề cần thiết phải xem xét, quy định nội dung này tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và một số luật khác. Lý do là Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đã đặt ra nhiệm vụ phải "quy định chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không". Nghị quyết của Trung ương cũng đã xem xét kỹ lưỡng, xác định đây là một trong những điểm mới về chính sách đất đai và giao Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai và các luật liên quan khác. 

Như vậy, việc đưa nội dung trên vào dự thảo Luật Đất đai lần này chính là thể hiện trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 18 của Trung ương. Việc làm này là hết sức cần thiết vì phải được sơ kết, tổng kết và báo cáo cơ quan có thẩm quyền kết quả thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Điều 267 Bộ luật Dân sự quy định về quyền bề mặt đối với khoảng không gian trên mặt đất. Điều 271 cũng quy định: Chủ thể quyền bề mặt có quyền khai thác, sử dụng khoảng không gian trên mặt đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình nhưng không được trái với quy định của Bộ luật này cũng như pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch và pháp luật có liên quan. 

Như vậy, việc quy định cụ thể về đất xây dựng công trình trên không là cần thiết để thể chế hóa "quyền bề mặt" được nêu trong Bộ luật Dân sự, qua đó hạn chế sự thiếu đồng bộ giữa các luật sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phân tích thực tiễn, pháp luật hiện hành về đất đai và xây dựng mới chỉ tập trung quy định về đất xây dựng công trình ngầm, công trình trên mặt đất mà chưa có quy định về đất xây dựng công trình trên không, trong khi đây cũng là một "tài nguyên" quan trọng để khai thác. Ví dụ, đề xuất xây dựng cây cầu trên không nối 2 tòa nhà nêu trên đã cho thấy những vướng mắc về đất xây dựng công trình trên không khi thiếu quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, việc chưa quy định về đất xây dựng công trình trên không còn làm ngân sách Nhà nước mất một nguồn thu. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc khai thác, quản lý tốt không gian trên không đã góp phần xây dựng nhiều thành phố hiện đại, có cảnh quan đẹp và tạo điều kiện phát triển kinh tế.

"Do vậy, việc quy định về đất xây dựng công trình trên không là đáp ứng đòi hỏi bức thiết trong thực tiễn, lấp được khoảng trống pháp luật về đất đai và tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, hiện đại", đại biểu lưu ý.

Từ phân tích nêu trên, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ về định hướng luật hóa chủ trương của Nghị quyết số 18 nêu trên về "xây dựng công trình trên không" gắn với cụ thể hóa quy định "quyền bề mặt" trong Bộ luật Dân sự đối với khoảng không gian trên mặt đất.

Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo việc tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về đất xây dựng công trình trên không, đồng thời trình Quốc hội bổ sung các quy định trong Luật Xây dựng và một số luật khác để tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho vấn đề này.

Nếu đây là vấn đề mới, khó và trường hợp cần tiếp tục kiểm nghiệm trong thực tiễn, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị trước mắt có thể quy định một số nguyên tắc chung, theo hướng mở và giao Chính phủ quy định chi tiết để giải quyết các vướng mắc hiện nay, qua đó đáp ứng kịp thời với sự thay đổi nhanh chóng trong thực tiễn.  

"Việc hoàn thiện thể chế pháp luật cần bảo đảm tính lâu dài, tính dự báo và phải đi trước đón đầu các vấn đề có thể phát sinh. Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ là cơ hội để hoàn thiện khung pháp lý đối với nhiều vấn đề mới, trong đó có đất xây dựng công trình trên không. Điều này góp phần thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết 18 của Trung ương đã đề ra và sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống", đại biểu nhấn mạnh.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top