Tối 21-6, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII - năm 2022 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô.
Đến dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia Lê Quốc Minh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII.
Phát biểu tại lễ trao giải, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia Lê Quốc Minh cho biết, trong các giai đoạn lịch sử của đất nước từ khi có Đảng, báo chí cách mạng luôn là lực lượng đi đầu, là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là diễn đàn của nhân dân, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng.
Đánh giá về hoạt động báo chí năm 2022, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, báo chí năm 2022 đã thông tin nhanh, đúng, trúng và toàn diện mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và cả quốc tế. Báo chí đã cho thấy sự đổi mới sáng tạo trong phương thức thể hiện, đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay, có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội. Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII - năm 2022 có số lượng tác phẩm gửi về đạt ở mức cao là 1.894 tác phẩm, cho thấy sức hút mạnh mẽ của giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp Hội nhà báo trong cả nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao Giải A.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao giải, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao và biểu dương những kết quả to lớn và quan trọng đã đạt được trong năm qua của đội ngũ những người làm báo trên cả nước. “Chúng ta đang đến rất gần dấu mốc lịch sử quan trọng 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chúng ta cũng đang ở năm bản lề nhiệm kỳ của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với rất nhiều nhiệm vụ to lớn, đòi hỏi quyết tâm chính trị và nỗ lực cao hơn để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đặt ra cho báo chí Việt Nam vinh dự và trọng trách ngày càng lớn lao, đòi hỏi những người làm báo, các cơ quan báo chí phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu.
Trao giải Ba cho các tác giả và nhóm tác giả.
Để báo chí ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị, các cơ quan báo chí và những người làm báo phải ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân với bạn đọc về sứ mệnh mà mình gánh vác. Bên cạnh đó, đội ngũ những người làm báo phải đi đầu, dấn thân phản ánh những vấn đề lớn, vấn đề mới, vấn đề khó của đất nước, bám sát thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí phải phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.
“Báo chí phải là ngọn cờ đầu kết nối và huy động mọi nguồn lực bao gồm: Trí tuệ, tinh thần, trách nhiệm và cảm hứng năng động, sáng tạo, cống hiến của toàn dân; nuôi dưỡng, khơi gợi khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Trao Giải C cho các tác giả và nhóm tác giả.
Đồng chí Võ Văn Thưởng bày tỏ sự tin tưởng, với những nỗ lực không ngừng đổi mới, đội ngũ những người làm báo ngày càng lớn mạnh, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.
Tại Lễ trao giải, Hội đồng chung khảo đã chấm 157 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng sơ khảo, và quyết định trao 8 Giải A, 24 Giải B, 46 Giải C, 45 Giải Khuyến khích, theo 11 loại giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất, có tính phát hiện đề tài, nội dung tư tưởng tốt, mang tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thức thể hiện.
Trao Giải C cho các tác giả và nhóm tác giả.
Một tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại Lễ trao giải.
Theo đó 8 Giải A được trao cho:
1. Tác phẩm: Loạt 4 bài: Yêu cầu mới về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà, Hà Thanh Giang, Minh Đức, Bùi Thị Lan (Tô Hà), Phạm Việt Hải - Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân.
2. Tác phẩm: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, làm căn cứ để đánh giá và rà soát, sàng lọc cán bộ của tác giả Vũ Trọng Lâm - Chi hội Nhà báo Tạp chí Cộng sản.
3. Tác phẩm: Vượt qua cơn binh lửa của nhóm tác giả: Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Bùi Nguyễn Quang Dũng, Vũ Hải Đăng - Ban Thời sự, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.
4. Tác phẩm: Kiểm soát quyền lực của cán bộ: Thực tiễn từ địa phương của nhóm tác giả Bùi Thị Thu Hương (Lan Hương), Bùi Thị Thùy Linh (Thùy Linh), Nguyễn Thị Thanh Trang (Thanh Trang), Tạ Thị Ngoãn (Tạ Ngoãn), Nguyễn Thị Thanh Tú (Thanh Tú) - Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh.
5. Tác phẩm: Ngày gặp lại của nhóm tác giả: Tấn Tài, Bích Phương, Ngọc Quí, Trần Thịnh - Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh.
6. Tác phẩm: “Bẫy” của nhóm tác giả Nguyễn Hồ Trí, Vũ Hồng Anh, Phạm Quốc Bằng, Chu Sỹ Thanh, Nguyễn Tài Vũ - Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.
7. Tác phẩm: Loạt 5 bài: Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế của nhóm tác giả: Võ Mạnh Hùng (Hùng Võ), Phạm Thanh Trà (Thanh Trà), Nguyễn Hoài Nam (Hoài Nam), Hoàng Tiến Đạt (Hoàng Đạt) - Báo điện tử VietnamPlus, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.
8. Tác phẩm: Dòng tên trên đá núi, đã thành tên phố phường của nhóm tác giả: Lê Đức Dục, Nguyễn Đức Bình (Đức Bình), Nguyễn Ngọc Quang (Ngọc Quang) - Báo Tuổi trẻ, Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh.