Các cơ quan báo chí tăng cường thông tin xây dựng, phản biện xã hội, “đưa ý Đảng đến gần dân hơn”

15:37 - Thứ Năm, 13/07/2023 Lượt xem: 4158 In bài viết

Các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường thông tin xây dựng, phản biện xã hội để đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, “đưa ý Đảng đến gần dân hơn”.

 Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam ngày 13/6/2023. Ảnh: VGP

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 12/7/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam.

Báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng, tạo đồng thuận, chia sẻ trong Nhân dân

Thông báo kết luận nêu rõ: Báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, Nhà nước; là phương tiện thông tin thiết yếu, là “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của người dân.

Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò quan trọng trong đoàn kết, tập hợp, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương những thành tích, sự đóng góp quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam và những cống hiến của những người làm báo trên cả nước.

Trong suốt 73 năm xây dựng và trưởng thành (21/4/1950 - 21/4/2023), Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng phát triển về tổ chức và lực lượng, trưởng thành về mọi mặt, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc; luôn bám sát đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Hội để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng, tạo đồng thuận, chia sẻ trong Nhân dân về các biện pháp chống dịch, tiêm chủng; đồng cảm, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn do dịch bệnh; kịp thời phản ánh hiện thực sinh động của cuộc sống, những thành tựu, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; những điểm sáng về tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau đại dịch; nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống; tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khơi dậy niềm tin trong Nhân dân.

Tuy nhiên hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại, hạn chế ở một số cơ quan báo chí và người làm báo; vẫn còn tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp; có biểu hiện “tư nhân hóa báo chí”; nội dung bạo lực, chạy theo thị trường, thiếu tính định hướng, thiếu tính giáo dục và nhân văn; vấn đề tin giả, tin sai sự thật chưa giảm…

Xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, hiểu biết về khoa học và công nghệ

Thời gian tới, để báo chí Việt Nam thực sự cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình, cùng với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Đẩy mạnh hoạt động tập hợp lực lượng, xây dựng đội ngũ những người làm báo, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao, rèn luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng, năng lực, trình độ chuyên môn cho hội viên để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại” như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.

Chung sức, đồng lòng tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, hiểu biết về khoa học và công nghệ; chấn chỉnh những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp; giữ vững “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí. Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm, nhất là việc lợi dụng báo chí để đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và lợi ích của Nhân dân.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Báo chí phải đồng hành cùng dân tộc, làm tốt hơn nữa chức năng định hướng tư tưởng, là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, cơ quan, địa phương, đơn vị để phản ánh, nhất là 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 đột phá chiến lược.

Các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Tăng cường thông tin xây dựng, phản biện xã hội để đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, “đưa ý Đảng đến gần dân hơn”. Tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn; đi vào định hướng, gợi mở giải pháp tháo gỡ những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa tương xứng với tuyên truyền về kinh tế, chính trị, xã hội theo 06 nhiệm vụ và 04 nhóm giải pháp mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; tăng cường chất lượng các tác phẩm báo chí, bảo đảm tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, tác động mạnh cả về lý trí và cảm xúc của công chúng; từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Báo chí phải đi đầu trong phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt

Báo chí phải đi đầu trong phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình tiên tiến, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội. Làm tốt vai trò giám sát, phản biện; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch. Đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, người lương thiện; chống lại những suy nghĩ và hành động sai trái, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông. Bám sát các xu hướng tất yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.

Báo chí phải góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng cơ quan hành chính các cấp hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Tăng cường bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, nhà báo. Quán triệt, thực hiện nghiêm Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về báo chí, bảo đảm quyền tự do báo chí, theo quy định của pháp luật và bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp và các lợi ích chính đáng của người làm báo. Tập trung xây dựng tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh.

Báo chí phát huy hơn nữa tinh thần cách mạng để tiếp tục truyền tải những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đến với Nhân dân và phản ánh nguyện vọng của Nhân dân, nhất là những chính sách tác động lớn, chủ trương đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, hạ tầng, y tế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, chủ trương đại đoàn kết dân tộc…

Hội Nhà báo Việt Nam cần chủ động thúc đẩy đổi mới sáng tạo về nội dung, cách làm truyền thông chính sách một cách chủ động, kịp thời, phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận. Tổng kết giải báo chí quốc gia để đề xuất đổi mới, nâng tầm và nâng cao chất lượng giải thưởng.

Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan tới hoạt động báo chí

Về các đề xuất, kiến nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, trong đó, về hoàn thiện quy định pháp luật, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan tới hoạt động báo chí như Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/06/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (hoàn thiện trong năm 2023).

Giao Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình phù hợp với yêu cầu phát triển chung của đất nước và của ngành báo chí (hoàn thiện trong Quý III năm 2023).

Về Quy hoạch và phát triển báo chí toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan rà soát, đề xuất xây dựng, hoàn thiện chính sách để việc thực hiện quy hoạch báo chí hợp lý, hiệu quả hơn, đi vào thực chất, phù hợp với xu thế phát triển.

Về hạ tầng công nghệ thông tin, giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ bảo đảm hạ tầng số cho các cơ quan báo chí, tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong hoạt động báo chí nói riêng, để cơ quan báo chí phải là một trong những cơ quan tiên phong về chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam nghiên cứu, đề xuất xây dựng kế hoạch, rà soát chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu ngành, lĩnh vực báo chí; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại hàng năm cho hội viên, nhà báo, phóng viên về kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí. Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan báo chí.

Bố trí tài chính theo hướng đặt hàng, giao nhiệm vụ, cân đối nguồn lực chung cho hoạt động báo chí

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất cơ chế huy động như hợp tác công – tư trong tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan báo chí; huy động được sức mạnh của xã hội; chống tiêu cực, tham nhũng.

Bố trí tài chính theo hướng đặt hàng, giao nhiệm vụ, cân đối nguồn lực chung cho hoạt động báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế bảo đảm hoạt động của các cơ quan báo chí minh bạch, công khai, hiệu quả, nằm trong tổng thể chung của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Về chế độ, chính sách cho người làm công tác tại Hội Nhà báo Việt Nam và Hội nhà báo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xử lý kiến nghị của Hội Nhà báo Việt Nam theo thẩm quyền và quy định hiện hành; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về triển khai Kế hoạch hành động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2025), đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam căn cứ Kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025) do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, đảm bảo ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top