Sinh hoạt tư tưởng

Ðể sinh hoạt chi bộ không hình thức

09:08 - Thứ Tư, 02/08/2023 Lượt xem: 4626 In bài viết

ĐBP - Ông T. nguyên là cán bộ đã nghỉ hưu và chuyển sinh hoạt Ðảng về chi bộ bản C., đã gần 2 năm. Mỗi lần sinh hoạt chi bộ bản, ông T. đều than phiền: “Sinh hoạt chi bộ ở bản khác nhiều so với sinh hoạt chi bộ khi còn công tác”.

Tôi liền hỏi, tại sao vậy chú?. Ông T. đáp lời: “Nội dung sinh hoạt thì nghèo nàn, đơn điệu; chỉ là thông qua dự thảo nghị quyết của cấp ủy, thậm chí nhiều tháng ghép việc sinh hoạt chi bộ với họp bản. Ðảng viên thờ ơ không quan tâm tới công việc của chi bộ; dự họp nhưng không thảo luận, không có ý kiến, nhất là đảng viên trẻ; còn tình trạng “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Ðặc biệt, nhiều vấn đề trọng tâm, bức xúc của nhân dân trong bản được đưa ra: Tranh chấp đất đai; hỗ trợ cây, con giống; vứt rác bừa bãi… nhưng không được bàn luận kỹ, kết luận rõ ràng; chưa phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên.

Chuyện như ông T. băn khoăn cũng là thực trạng ở không ít chi bộ thôn, bản. Do chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao, còn nặng tính hình thức nên hầu hết đảng viên không thẩm thấu được tinh thần, chủ trương của đảng ủy cấp trên; không nắm rõ, nắm hết tình hình triển khai công việc cụ thể của chi bộ, cấp ủy; đặc biệt là việc ra nghị quyết chưa sát với tình hình thực tế tại địa phương.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ là nền móng của Ðảng, chi bộ tốt thì việc sẽ tốt”; “Muốn chi bộ phát triển tốt, thì cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng chi bộ”. Vì vậy, để có đảng viên tốt, xây dựng được chi bộ mạnh thì sinh hoạt chi bộ là nội dung rất quan trọng, nội dung này đã được quy định trong Ðiều lệ Ðảng, chi bộ sinh hoạt định kỳ, mỗi tháng một lần hoặc đột xuất khi cần.

Ðể chống “bệnh” hình thức trong sinh hoạt chi bộ đòi hỏi phải phát huy cao độ vai trò của cấp ủy, đứng đầu là bí thư. Người “nhạc trưởng” phải có năng lực điều hành, thấy và nêu ra những vấn đề bức xúc trong nhân dân, luôn có cách để làm “nóng” các buổi sinh hoạt, như vậy đảng viên sẽ hăng hái thảo luận và xắn tay vào thực hiện. Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “tự phê bình” và “phê bình” trên tinh thần coi trọng tình đồng chí, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau; duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội dung sinh hoạt định kỳ; nghiên cứu chọn chuyên đề phù hợp, sát với tình hình thực tế, tạo sự phong phú, lôi cuốn. Ðối với mỗi đảng viên cần phát huy tinh thần tiên phong “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, dám đương đầu với khó khăn, thử thách”... Có như vậy, sinh hoạt chi bộ mới không rơi vào “bệnh” hình thức, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Phương Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top