Làm rõ trách nhiệm, gấp rút hoàn thành những nhiệm vụ của Đề án 06 trong năm 2023

16:59 - Thứ Năm, 31/08/2023 Lượt xem: 4788 In bài viết

Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tô Lâm, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã tập trung thảo luận làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân chậm, muộn một số nhiệm vụ trong tháng 8, qua đó, đề ra biện pháp giải quyết cụ thể nhằm hoàn thành các nhiệm vụ trong tháng 9 cũng như những tháng cuối năm 2023.

Sáng 31/8, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã tổ chức phiên họp tháng 8. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và TP Hà Nội.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu khai mạc buổi làm việc.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều. Những nhiệm vụ đang đặt ra đòi hỏi các thành viên trong Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành phải bám sát vào sự chỉ đạo của Chính phủ về Đề án 06 cũng như giải quyết những nhiệm vụ cụ thể đặt ra theo từng tháng, quý, năm.

Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ, những kết quả của từng tháng, quý có ý nghĩa quyết định đến thành quả của cả năm 2023 và các năm tiếp theo. Việc các bộ, ngành hoặc lĩnh vực, nhiệm vụ của Đề án 06 triển khai chậm ngày nào sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung ngày đó, những điểm “nghẽn” đó phải được giải quyết nhanh và hiệu quả... Các bộ, ngành thảo luận, đánh giá những tồn tại và triển khai hiệu quả những nhiệm vụ trong tháng 9, phục vụ cho những nhiệm vụ lớn của Chính phủ trong thời gian tới.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo, kết luận buổi làm việc.

Chủ trì nội dung tham luận, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh: Những gì người dân được hưởng từ Đề án 06 theo từng giai đoạn, thời gian phải được các bộ, ngành hoàn thành để đảm bảo phục vụ người dân theo đúng tiến độ. Hiện nay, còn nhiều nội dung, nhiệm vụ cũng như vấn đề người dân quan tâm, có ý nghĩa sát sườn cần được các bộ, ngành triển khai, hoàn thành, giải quyết như tình trạng "sim rác", tài khoản ảo dẫn đến hoạt động “tín dụng đen”, dữ liệu sổ sức khỏe điện tử, đất đai, ngân hàng…

“Trách nhiệm của các bộ, ngành trong từng nhiệm vụ cụ thể cũng như sự phối hợp, liên kết trong giải quyết những nhiệm vụ trên đã được các đơn vị triển khai như thế nào, khi nào hoàn thành?”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đặt câu hỏi.

Bám sát vào những nội dung định hướng của Thứ trưởng, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đại diện Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Sở Y tế Hà Nội…đã báo cáo tham luận về nội dung liên quan như: Cho vay tín chấp, phòng chống “tín dụng đen”, khám chữa bệnh, sổ sức khỏe điện tử, kết nối, đường truyền, giải quyết nạn “sim rác”, đầu tư, bố trí nguồn kinh phí để các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06…

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu và điều hành tham luận tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương những kết quả, thành tích của các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện 233 nhiệm vụ, đây là khối lượng công việc rất lớn, cơ quan thường trực đã xây dựng phần mềm theo dõi, giám sát công việc của Đề án 06; các bộ, ngành, địa phương sớm khắc phục 30 nhiệm vụ chậm, muộn, đồng thời thường xuyên truy cập, theo dõi các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tổ Công tác (được cập nhật lên phần mềm), chỉ đạo bộ phận chức năng hàng ngày, hàng tuần cập nhật tiến độ các nhiệm vụ được giao lên phần mềm để Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Về hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai Đề án 06, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn 11 vướng mắc của TP Hà Nội.

Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của pháp lý phục vụ Trung tâm dữ liệu quốc gia, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định quy định 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông, Bộ trưởng, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ chỉ rõ, các bộ, ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó, nghiên cứu, rà soát, đưa nội dung rà soát, sửa đổi các văn bản theo hướng ứng dụng nền tảng định danh và xác thực điện tử, ứng dụng VNeID để tạo tài khoản mới với thông tin thuê bao di động vào Nghị định hướng dẫn triển khai Luật Viễn thông sau khi Luật Viễn thông sửa đổi được ban hành.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tham luận tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Đối với việc thúc đẩy dịch vụ công, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tái cấu trúc quy trình các thủ tục hành chính, dịch vụ công đang được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp tục đơn giản hóa các quy trình thủ tục, giấy tờ công dân theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bảo đảm thực chất, hiệu quả; đôn đốc các bộ, ngành tiếp tục thực hiện các dịch vụ công liên thông trong 53 dịch vụ công thiết yếu để tạo tiện ích nhất cho người dân và doanh nghiệp, cùng với đó sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định thu phí, lệ phí của Bộ Tài chính để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Giao nhiệm vụ và thời gian hoàn thành cụ thể cho các thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của các bộ, ngành, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đẩy nhanh tiến độ cập nhật, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý Nhà nước đúng theo quy định của pháp luật; quản lý di biến động về người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; tình hình người lao động bị mất việc làm, người đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm; trợ giúp khi cần thiết cho người lao động hưởng các lợi ích chính đáng theo quy định của pháp luật một cách nhanh chóng, kịp thời. Bộ Nội vụ chỉ đạo đơn vị chức năng thống nhất với Bộ Công an về lộ trình, phương án kết nối giữa cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành dự thảo Quyết định “Quy định nhóm thông tin cơ bản về nguồn lực y tế phục vụ công tác quản lý Nhà nước Bộ Y tế và Đề án 06 của Chính phủ”, phục vụ việc cập nhật thông tin nguồn lực vào cơ sở dữ liệu y tế kết nối, xác thực, làm sạch dữ liệu y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thu thập thông tin sinh viên tốt nghiệp các năm 2020, 2021 để đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm từ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, nhằm theo dõi, thống kê, đánh giá tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, dự báo xu hướng nghề nghiệp.

Thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với TP Hà Nội, tỉnh Hà Nam triển khai sơ kết, đánh giá kết quả nhiệm vụ thí điểm việc làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương rà soát, đối khớp, làm sạch thông tin các dữ liệu tổ chức, doanh nghiệp hiện đang quản lý, đảm bảo đầy đủ, chính xác các thông tin để đảm bảo việc cấp định danh cho tổ chức, doanh nghiệp theo quy định. Tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành cử cán bộ tham gia Tổ công tác Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp.

Để tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, phát triển công dân số, hiện nay, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các bộ gồm: Bộ Y tế, Giao thông Vận tải, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp sớm thúc đẩy, hoàn thành những phần việc cụ thể đã được Tổ Công tác triển khai Đề án 06 giao, đẩy mạnh ứng dụng, sử dụng VNeID trong các hoạt động giao dịch, thủ tục hành chính.

Tại phiên họp, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã chỉ rõ những tồn tại và trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện chậm, muộn, chưa hiệu quả một số nhiệm vụ trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Cụ thể, về pháp lý còn 735 thủ tục hành chính chưa được thực thi theo 19 Nghị quyết của Chính phủ.

Nhiệm vụ ban hành hướng dẫn về lưu trữ điện tử dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thành, chậm tiến độ 5 tháng theo Chỉ thị 05. Nhiệm vụ xây dựng Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn, chưa hoàn thành trong tháng 7/2023 theo Chỉ thị 05.

Về hạ tầng công nghệ thông tin hiện có 19/31 đơn vị có hệ thống, 12 đơn vị chưa triển khai hệ thống. Có tỉnh còn chưa hoàn thành triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử.

Về dịch vụ công, qua theo dõi của Văn phòng Chính phủ, đến nay, còn 18/28 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 422, ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ chưa được một số bộ, ngành hoàn thành cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Đối với việc triển khai 2 dịch vụ công liên thông vẫn còn tình trạng hồ sơ tồn trên Hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch điện tử dùng chung chưa được xử lý, dẫn đến không thể chuyển hồ sơ sang các hệ thống của Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để hoàn thành quy trình liên thông.

Ngoài ra, việc nghiên cứu giải pháp triển khai tích hợp vé tàu, vé xe trên VNeID, sử dụng VNeID thay thế vé tàu, vé xe chưa được quan tâm, triển khai thực hiện. Cùng với đó, một số bộ, ngành và địa phương còn chưa tập trung đảm bảo an ninh, an toàn đường truyền, dữ liệu.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top