Công tác cán bộ nữ dân tộc thiểu số tại Điện Biên

Bài 2: Nhiều thách thức

08:35 - Chủ Nhật, 10/09/2023 Lượt xem: 6584 In bài viết

ĐBP - Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực vươn lên của chính đội ngũ cán bộ nữ DTTS, công tác cán bộ nữ DTTS tại Điện Biên đã đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, so với thực tiễn, việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ DTTS vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tại vùng biên giới.

Bài 1: Những chuyển biến tích cực

Chị Chớ Thị Mò, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ tuyên truyền việc không sinh con thứ ba tới hội viên phụ nữ trong xã.

Khó khăn từ đặc thù vùng

Đến Nậm Pồ - một huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Điện Biên, vừa kỷ niệm 10 năm thành lập vào tháng 6/2023, chúng tôi gặp một nữ cán bộ người dân tộc Mông. Đó là chị Chớ Thị Mò (sinh năm 1986), Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phìn Hồ. Chị Mò đang khá bận rộn với công tác hội. Chị kể, những năm trước đây Phìn Hồ rất nghèo, có bản điện chập chờn, đường chưa được cứng hóa, rất khó khăn trong việc đi lại, triển khai công tác. Đến nay, điện, đường, trường, trạm ở Phìn Hồ đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhưng khó khăn khác vẫn tồn tại, như: một bộ phận phụ nữ trình độ học vấn, dân trí thấp, không biết nghe, nói tiếng phổ thông; có một số bản theo đạo; vẫn còn hiện tượng sinh nhiều con... Chị Chớ Thị Mò và cán bộ Hội Phụ nữ phải nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp mới hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều vùng biên giới, vùng cao của Điện Biên và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đối với một số huyện, xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, công tác cán bộ DTTS, nhất là việc bố trí, sử dụng cán bộ nữ DTTS càng khó khăn. Huyện Nậm Pồ thành lập năm 2013, vấn đề nhân sự quy hoạch cho các chức danh quản lý, đặc biệt là đối với nữ DTTS gặp không ít khó khăn. Ông Điêu Bình Dương, Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) cho biết: Đến tháng 6/2023, cả xã Phìn Hồ có 6 công chức là nữ, trong đó 2 nữ DTTS thuộc các chức danh Chủ tịch Hội Phụ nữ xã và Bí thư Đoàn xã.

Đánh giá khái quát về công tác cán bộ nữ, bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định: Trong những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành. Đội ngũ cán bộ nữ cấp ủy, nữ lãnh đạo, quản lý, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Mặc dù vậy, tỷ lệ cán bộ nữ ở nước ta hiện nay vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra, có sự tăng trưởng song tỷ lệ tăng chưa cao và thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và sự đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ, trong đó bao gồm cả nữ cán bộ là người DTTS.

Trước yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ chính trị được giao, công tác cán bộ nữ, nữ DTTS của tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên, tính đến hết năm 2022, nữ cán bộ người DTTS toàn tỉnh chiếm khoảng 11,6% so với tổng số lãnh đạo toàn tỉnh. Theo phân cấp, cấp tỉnh chỉ có khoảng 4,9% nữ cán bộ DTTS; cấp huyện có 9,2% nữ cán bộ DTTS giữ chức vụ từ phó phòng và tương đương trở lên; cấp xã có 15,6% nữ cán bộ DTTS giữ vị trí lãnh đạo Đảng, HĐND, chính quyền, trưởng các đoàn thể. Cấp trưởng sở, ban, ngành là nữ DTTS chỉ có 4/37 đơn vị (chiếm 10,8%).

Có thể thấy, vai trò của phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng ở Điện Biên ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ cán bộ người DTTS trong cơ cấu chung cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh ngày càng tăng; số nữ đại biểu Quốc hội đạt và vượt so với kế hoạch đề ra song phân bố chưa đồng đều. Tại không ít địa phương, tỉ lệ cán bộ quản lí, lãnh đạo nữ DTTS tham gia cấp ủy Đảng và HĐND chưa đạt so với chỉ tiêu kế hoạch. Đặc biệt, tỉ lệ cán bộ nữ, nữ DTTS giữ chức vụ chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể còn thấp, chưa đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ cán bộ nữ. Đa số cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cấp phó. Việc phân công một số vị trí công tác còn khó khăn. Một bộ phận nữ cán bộ người DTTS chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thiếu kĩ năng trong tổ chức điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện chính sách dẫn tới việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương chưa thật sự hiệu quả. Cơ cấu cán bộ nữ giữa các dân tộc còn có cách biệt.

Ông Nguyễn Văn Uyên, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mường Nhé cho biết: “Một số dân tộc đặc biệt khó khăn, ít người như Cống, Si La... còn rất hạn chế về nguồn để phát triển cán bộ nữ”.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, nhất là nữ DTTS tại một số cấp ủy, chính quyền chưa được quan tâm đúng mức. Theo thống kê, còn khoảng gần 30% cán bộ cấp xã, bao gồm cả nam và nữ cán bộ DTTS đang có trình độ sơ cấp, trung cấp; một số chưa thành thạo trong ứng dụng công nghệ thông tin và chưa đáp ứng tốt công cuộc chuyển đổi số.

Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu Pờ Mỳ Lế tham gia kí quy chế phối hợp với Đồn biên phòng A Pa Chải đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới.

Những rào cản

Bàn về nguyên nhân, rào cản tạo nên những khó khăn trong công tác cán bộ nữ DTTS, ông Bùi Minh Hải, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé khẳng định: “Là một trong các huyện miền núi vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, sau hơn 20 năm thành lập, Mường Nhé đã vươn mình phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, trong đó công tác cán bộ đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp về kinh tế, tỉ lệ hộ nghèo vẫn cao, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều, cùng với việc tồn tại những định kiến về giới, tập tục lạc hậu ở một bộ phận đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa đã tạo ra những rào cản vô hình, hạn chế cơ hội tiếp cận học tập nâng cao trình độ, giao tiếp và tham gia công tác xã hội của nhiều phụ nữ DTTS, đặc biệt là ở những dân tộc rất ít người như Cống, Si La...”.

Ông Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh có giảm, nhưng vẫn còn khá cao ở mức 26,6%, trong đó tỉ lệ hộ nghèo DTTS chiếm gần 40% tổng số hộ DTTS, hộ nghèo trong tỉnh đa số là hộ người DTTS.

“Vẫn còn tỉ lệ học sinh nữ là người DTTS bỏ học, lấy chồng sớm” - thầy giáo Hoàng Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Pu Nhi (xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông) cho hay. Sự bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục cũng như nhiều mặt khác trong đời sống xã hội ở các bản làng xa xôi đang là mục tiêu hướng tới. Việc nữ DTTS được giao các trọng trách tại các địa phương có lúc chưa nhận được cái nhìn bình đẳng.

Chị Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé chia sẻ: Khi chị được phân công làm Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, nhiều người đã hoài nghi, không tán thành. Họ cho rằng đàn ông làm nhiệm vụ đó còn khó, phụ nữ không thể làm tốt được. Quả thật, trên địa bàn biên giới nơi “một con gà gáy ba nước cùng nghe” còn nhiều khó khăn, phức tạp, việc một phụ nữ gánh vác nhiệm vụ đứng đầu cấp ủy là một thách thức lớn. Hoạt động ở xã khó khăn, ngoài trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, lí luận chính trị, năng lực quản lý, nếu không có sức khỏe, bản lĩnh, nghị lực, sự tâm huyết khó có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ DTTS tại một số cấp ủy cơ sở dù đã được quan tâm nhưng do thiếu nhân sự đủ tiêu chuẩn nên không đạt chỉ tiêu. Ở góc độ chủ quan, một số nữ cán bộ, công chức, viên chức DTTS còn tư tưởng tự ti, an phận, chưa tích cực, chủ động khắc phục khó khăn để học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lí.

Xác định rõ những nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng công tác cán bộ nữ DTTS chính là định hướng tìm giải pháp tháo gỡ rào cản đối với công tác này, đặc biệt ở vùng DTTS khó khăn của Điện Biên.

Bài 3: Giải pháp phát triển cán bộ nữ

Thế Khang
Bình luận

Tin khác

Back To Top