Xây dựng Ðiện Biên vững mạnh toàn diện

11:02 - Thứ Bảy, 07/10/2023 Lượt xem: 5666 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên - mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Trong các giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc, Nhân dân Ðiện Biên đã kiên cường vượt khó, góp sức người, sức của cho cách mạng làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Truyền thống anh hùng đó tiếp tục được Ðảng bộ và Nhân dân các dân tộc Ðiện Biên phát huy trong thời kỳ đổi mới, góp phần xây dựng tỉnh phát triển ổn định, bền vững.

Một góc thành phố Ðiện Biên Phủ hôm nay.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, bởi vậy qua các nhiệm kỳ, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp - dịch vụ - đô thị và công nghiệp; tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối với các tỉnh trong vùng Tây Bắc và vùng Thủ đô. Ðặc biệt, sau nhiều năm chia tách thành lập, tỉnh ta đã và đang duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của toàn xã hội. Nổi bật là bức tranh kinh tế tăng trưởng khá, chỉ tính riêng năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,19%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra và là năm đầu tiên kể từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng ấn tượng, đạt 2 con số, xếp thứ hạng 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 2/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. GRDP bình quân ước đạt 39,68 triệu đồng/người/năm... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, giảm tỷ trọng khu vực I (nông, lâm nghiệp, thủy sản) tăng tỷ trọng khu vực II (công nghiệp, xây dựng) và khu vực III (dịch vụ); trong đó khu vực I chiếm 16,86%; khu vực II chiếm 21,25%; khu vực III 57,7%.

Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng, đô thị trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm, phát triển. Tỉnh đã rà soát, triển khai lập, điều chỉnh các phương án quy hoạch TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên làm cơ sở cho việc xây dựng chủ trương và thu hút đầu tư nhiều dự án lớn, như: Khu trung tâm thương mại, dịch vụ văn hóa thuộc Khu đô thị mới phía Ðông TP. Ðiện Biên Phủ; khu đô thị sinh thái sông Nậm Rốm; trung tâm thương mại và nhà ở thương mại TP. Ðiện Biên Phủ; Dự án Ðầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên; triển khai đầu tư dự án cao tốc Sơn La - Ðiện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1 từ TP. Ðiện Biên Phủ - nút giao Km15+800/QL279)...

Với đặc thù của tỉnh miền núi, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, hiện nay, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Tiếp tục chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện dự án “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Ðiện Biên” với tổng diện tích 150ha. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng lòng của nhân dân, đến nay, toàn tỉnh đã có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 21/115 xã đạt chuẩn NTM, 120 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu; bình quân đạt 13,07 tiêu chí/xã, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 36,57%.

Song hành công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Ðảng bộ tỉnh luôn coi trọng công tác xây dựng Ðảng; xem đây là nhiệm vụ then chốt. Hàng năm, dưới sự lãnh đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ðảng bộ tỉnh đã không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng. Tiếp tục phát huy, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quy định của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Ðồng thời, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của công tác xây dựng Ðảng, nhằm củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng.

Trong công tác tổ chức cán bộ, trên cơ sở kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án vị trí việc làm gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 15, 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ðảng bộ tỉnh cũng tích cực lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổ chức đảng, phát triển đảng viên, nhất là những nơi chưa có đảng viên, chưa có chi bộ; phấn đấu đến năm 2025, Ðảng bộ tỉnh sẽ không còn thôn, bản chưa có chi bộ, chi bộ sinh hoạt ghép. Ðến nay, Ðảng bộ tỉnh có 14 đảng bộ trực thuộc với trên 45.500 đảng viên.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ tỉnh, có thể khẳng định, 74 năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã và đang đoàn kết một lòng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Ðảng; huy động tối đa mọi nguồn lực tập trung phát triển kinh tế, mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế. Giờ đây, khi đến những bản làng, không khó nhận ra cuộc sống ấm no ngày càng giàu đẹp của người dân với nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng được hình thành; những tuyến đường được đầu tư, nâng cấp, mở rộng thuận lợi cho nhu cầu giao thương; những khu đô thị vươn tầm phát triển… Ðó là diện mạo mới của tỉnh Ðiện Biên sau nhiều năm phấn đấu, nỗ lực của cả hệ thống chính trị suốt những chặng đường đã qua.

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top