ĐBP - Sáng nay (24/10), kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV...
Tham gia phát biểu ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đánh giá: Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội đối mặt với khó khăn chồng chất, những chính sách được áp dụng kịp thời trong thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đón nhận như những giải pháp tích cực cho việc hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế.
Một loạt chính sách như cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, nhất là thuế giá trị gia tăng (VAT) được đồng loạt triển khai thực hiện đã góp phần cổ vũ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước đưa nền kinh tế phục hồi và khởi sắc.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số chính sách chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, như chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn đầu tư phát triển của chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 rất thấp, tính đến ngày 30/9/2023 chỉ đạt 50.739 tỷ đồng, tương đương 28,9% kế hoạch vốn được giao, trong khi thời gian còn lại để thực hiện chương trình còn chưa đến 03 tháng.
Đối với những chính sách mà việc triển khai chưa hiệu quả, giải ngân chậm trễ, đại biểu đề nghị cần phải có sự phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm từ khâu nắm bắt tình hình; cho đến khâu nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách; tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp ra quyết định và thực thi chính sách. Cần thiết thì phải làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị, cá nhân để đảm bảo nguồn lực tài chính công được sử dụng một cách kịp thời, tiết kiệm, đúng mục tiêu và đạt hiệu quả tốt nhất, tránh lãng phí, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực tài chính công đang rất hạn chế và eo hẹp do suy giảm kinh tế, suy giảm nguồn thu do đại dịch.
Về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Tạ Thị Yên nhận định, đây là cuộc tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa từng có tiền lệ, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với 22 lĩnh vực trọng tâm, gồm: pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước...
Tổng số văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan thực hiện rà soát là 523 văn bản, trong đó có 16 văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, 104 văn bản có quy định bất cập hoặc vướng mắc.
Đại biểu nhận định, những văn bản, nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập này chưa phải đã được thống kê đầy đủ, toàn diện, bởi một số kết quả rà soát trùng lặp với kết quả rà soát được thực hiện và báo cáo trước đây; các nội dung còn có ý kiến khác nhau hoặc cần phải tiếp tục có thời gian để phân loại, nghiên cứu, xem xét, đánh giá thì tạm thời chưa được tổng hợp, đề xuất xử lý trong báo cáo này.
"Những nội dung bất cập này, không phải qua rà soát mới phát hiện ra, mà thực tế triển khai vướng mắc rồi, đến nay đã được tổng hợp lại. Đây chính là những điểm vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, là nguyên nhân tạo nên những điểm nghẽn, rào cản, hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội và gây nên những rủi ro về mặt pháp lý cho người tổ chức thực hiện và là một phần của nguyên nhân gây ra tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức” - đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến.
Trên cơ sở đó đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị, bên cạnh việc nghiên cứu, sử dụng kết quả rà soát tại Báo cáo của Chính phủ trình kỳ họp thứ 6, là nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới, cần phải tiếp tục quan tâm xử lý kết quả rà soát đã được thực hiện và báo cáo trước đây, đặc biệt là đối với những nội dung được đề cập trong những báo cáo, nghị quyết giám sát, chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với những nội dung qua rà soát mà còn có ý kiến khác nhau đề nghị phải sớm có văn bản giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó cần phải có giải pháp, chế tài để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, trong đó có khâu lấy ý kiến, tham gia ý kiến và việc tiếp thu ý kiến tham gia trong quá trình xây dựng pháp luật. Có như vậy mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp, khả thi trong thực tiễn của hệ thống pháp luật.