Góc nhìn

Lá phiếu trách nhiệm và niềm tin

10:13 - Thứ Năm, 26/10/2023 Lượt xem: 4369 In bài viết

Chiều qua (25-10), Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Đây là một trong những nội dung quan trọng nằm trong chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV được đông đảo cử tri cả nước và nhân dân quan tâm.

Điểm mới đáng chú ý trong lần lấy phiếu tín nhiệm này là quy trình kiểm phiếu được thực hiện bằng máy, bảo đảm chính xác tuyệt đối, bảo mật tốt, tốc độ nhanh.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng quyết định chất lượng lấy phiếu tín nhiệm chính là người bỏ phiếu. Với tinh thần đó, mỗi đại biểu Quốc hội xác định đây là lá phiếu thể hiện tinh thần xây dựng Đảng, Nhà nước; là trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, với cử tri và nhân dân. Vì vậy, thái độ khách quan, công bằng, không lợi ích cục bộ, không mang nặng yếu tố cá nhân của mỗi đại biểu Quốc hội có vai trò quyết định trong sự chính xác, công tâm của lá phiếu.

Lấy phiếu tín nhiệm là một trong những việc làm rất hệ trọng, thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Việc các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát cũng chính là sự gửi gắm và ủy quyền của cử tri cả nước cho đại biểu Quốc hội. Cùng với đó, việc lấy phiếu tín nhiệm còn thể hiện sự ghi nhận, đánh giá công bằng của các đại biểu đối với những nỗ lực, cố gắng, kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Vì thế, việc lấy phiếu tín nhiệm được triển khai với quy trình, quy định chặt chẽ và thực hiện một cách khoa học.

Lá phiếu tín nhiệm không chỉ là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, niềm tin của cử tri đối với 44 chức danh giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn, mà qua việc này góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ và ngành, lĩnh vực được giao phụ trách; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác. Đây cũng là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức Đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.

Tiếp nối những kết quả quan trọng về tổ chức và hoạt động các nhiệm kỳ trước đây, việc lấy phiếu tín nhiệm ngay những ngày đầu tiên của kỳ họp thứ sáu cho thấy, Quốc hội khóa XV đã thực hiện quyền giám sát tối cao của mình với sự ủy quyền của nhân dân. Từ đó, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

Trên cơ sở kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn, Quốc hội sẽ ban hành các chính sách hợp lý trong công tác quản lý, sử dụng, quy hoạch và đào tạo cán bộ. Điều quan trọng hơn, lấy phiếu tín nhiệm còn là sự ghi nhận đối với những cán bộ có số phiếu tín nhiệm cao; đồng thời nhắc nhở các cán bộ có nhiều số phiếu tín nhiệm thấp phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là trong chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mình phụ trách nhằm xứng đáng với niềm tin của cử tri cả nước.

Với ý nghĩa cũng như tầm quan trọng đó, việc lấy phiếu tín nhiệm một cách khách quan, công tâm, trung thực giúp kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ. Đặc biệt, đó còn là tăng cường trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top