Nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí

14:50 - Thứ Sáu, 17/11/2023 Lượt xem: 3708 In bài viết

Sau hơn 1 năm thực hiện, phong trào "Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí" đã trở thành động lực, tiếp thêm ngọn lửa sáng tạo, yêu nghề, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Các cấp hội nhà báo, cơ quan báo chí đã có những mô hình hay, thiết thực và có hiệu quả. Song, cũng có các cấp hội vẫn thực hiện mang tính hình thức, chưa hiện thực hóa phong trào vào hoạt động của đơn vị.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu kết luận Hội nghị.

Nhiều cách làm hay, sáng tạo

Tại hội nghị sơ kết 1 năm phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí" chiều 16/11, tại Hòa Bình, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, thời gian qua nhiều cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã tích cực triển khai phong trào bằng những việc làm, hoạt động cụ thể. Nhằm cụ thể hóa việc phát động phong trào, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội thảo báo chí với chủ đề "Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa" để động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao "sức đề kháng" của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội.

Liên chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ ký giao ước thi đua, tổ chức tọa đàm "Văn hóa của người làm báo" làm sâu sắc thêm nội dung, ý nghĩa của phong trào. Liên chi hội nhà báo Báo Quân đội nhân dân tổ chức phong trào thi đua có chủ đề thiết thực, sâu sắc: "Trách nhiệm, chính quy, chuyên nghiệp và nhân văn", tổ chức tọa đàm, sinh hoạt nghiệp vụ: "Văn hóa báo chí và trách nhiệm của người làm báo", "Đạo đức người làm báo". Chi hội nhà báo Báo điện tử Chính phủ tham mưu cấp ủy, ban biên tập ban hành kế hoạch giai đoạn 2022-2025 với chủ đề "Chuẩn mực - Chuyên nghiệp - Trung thực - Văn minh". Chi hội nhà báo Báo Nông thôn ngày nay phát động phong trào thi đua và triển khai thực hiện Quy tắc 5 có - 5 không…

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, việc "Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí" là cách thức nhằm "chấn chỉnh", siết chặt kỷ cương và góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan báo chí, người làm báo góp phần xây dựng nền báo chí truyền thông, nhân văn và hiện đại, bảo vệ giá trị văn hóa của dân tộc. "Sau hơn một năm được phát động, phong trào đã thực sự đi vào đời sống, hoạt động tác nghiệp của những người làm báo. Hiện tượng những người làm báo có hành vi thiếu văn hóa trong hoạt động tác nghiệp của mình đã được khắc phục, hạn chế. Đặc biệt, hàm lượng văn hóa trong các tác phẩm báo chí đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều cơ quan báo chí đã mở thêm các chuyên mục, ấn phẩm về văn hóa", nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Cần đi vào thực chất

Từ thực tế phát động và ký kết triển khai phong trào tại Liên chi hội nhà báo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhà báo Phan Thanh Nam, Chủ tịch Liên chi hội khẳng định, phong trào đã lan tỏa và phát triển hiệu quả, tuy nhiên, để phong trào triển khai một cách thực chất, hiệu quả thì sự chủ động, nỗ lực của cấp chi hội là chưa đủ. Nhà báo Phan Thanh Nam kiến nghị, các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí cần phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, lâu dài mà ở đó phải có sự vào cuộc và chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, ban biên tập. Nội dung này không chỉ sinh hoạt ở chi hội mà còn được lồng ghép trong buổi sinh hoạt chi bộ...

Cũng theo nhà báo Phan Thanh Nam, cam kết chỉ là văn bản "chết" nếu thiếu các môi trường cần thiết. Ở đó, cần sự vào cuộc và đồng lòng của toàn thể cán bộ, phóng viên trong cơ quan. Trong đó cần đề cao danh dự của mỗi hội viên, phóng viên thực sự thấm nhuần lời dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất", đặc biệt là vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo. Điều này hết sức cần thiết trong nền kinh tế thị trường và kinh tế báo chí đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Mọi cam kết và nỗ lực của cả tập thể sẽ vô nghĩa khi chỉ có một cán bộ, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật...

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên kiến nghị, các cơ quan chỉ đạo quản lý báo chí ở Trung ương, cụ thể là Hội nhà báo Việt Nam cần ban hành quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa để các cấp hội và các cơ quan báo chí bám sát vào xây dựng thang điểm chấm thì việc thực thi sẽ hiệu quả hơn, tránh tình trạng mỗi nơi làm một cách và việc chấm điểm thi đua sẽ không đồng bộ… Qua triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua, có thể thấy việc phát động thi đua với 12 tiêu chí về cấp cơ sở vẫn còn chung chung, cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa để các cấp hội và các cơ quan báo chí bám sát vào xây dựng thang điểm chấm, tránh tình trạng mỗi nơi làm một cách và việc chấm điểm thi đua sẽ không đồng bộ. "Nếu có thể được thì phong trào thi đua này cần được quy định bằng luật hóa trong Luật Báo chí đang được sửa đổi tới đây", nhà báo Nguyễn Bảo Lâm mong mỏi.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top