Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV:

Quốc hội thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với tỷ lệ tán thành cao

15:26 - Thứ Sáu, 24/11/2023 Lượt xem: 6046 In bài viết

Với tỷ lệ tán thành cao, chiều 24-11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ sáu, chiều 24-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Kết quả, với tỷ lệ tán thành cao (95,14% tổng số đại biểu), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Luật gồm 6 chương, 34 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật.
Với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. 

Luật này quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Luật quy định rõ: Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân làm nòng cốt. Kết hợp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với phát triển kinh tế - xã hội, gắn phát triển kinh tế - xã hội với quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự phải thống nhất theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt; bảo đảm bí mật, an toàn, đúng mục đích, công năng sử dụng, phù hợp với từng loại, nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự.

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. 

* Trước khi biểu quyết thông qua dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã báo cáo giải trình về một số nội dung của dự thảo luật.

Đáng chú ý, trong quá trình thảo luận, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, phát biểu ý kiến.

Làm rõ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ mối liên hệ giữa phân loại và phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; làm rõ công trình loại nào thuộc Nhóm đặc biệt, loại công trình nào thuộc Nhóm I, Nhóm II và Nhóm III và đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo luật; rà soát để thống nhất với các quy định của dự thảo luật.

"Việc phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự là theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng, còn phân nhóm là theo tính chất quan trọng và yêu cầu quản lý, bảo vệ; loại và nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ làm cơ sở để xác định phạm vi bảo vệ, yêu cầu, nội dung, chế độ, biện pháp tổ chức quản lý, bảo vệ phù hợp với từng loại, nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự và xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Trên thực tế, các loại công trình quốc phòng và khu quân sự Nhóm đặc biệt, Nhóm I, Nhóm II và Nhóm III rất đa dạng nên việc giao Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp với tính đặc thù và bảo đảm yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không quy định cụ thể từng nhóm, loại công trình quốc phòng và khu quân sự trong dự thảo luật", Chủ nhiệm Lê Tấn phân tích.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top