Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Điểm hội tụ là xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

16:27 - Thứ Hai, 04/12/2023 Lượt xem: 4427 In bài viết

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: “Mỗi người có cách yêu nước riêng của mình, nhưng điểm hội tụ chung là mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”.

Sáng 4-12, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu chính Nhà Quốc hội.

Quyền làm chủ của Nhân dân đi vào thực chất

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã làm rõ kết quả 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về "Phát huy sức mạnh đại đoạn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; lý giải về việc Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TƯ ngày 24-11-2023 về "Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc" và giới thiệu những nội dung chủ yếu và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TƯ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng truyền đạt Nghị quyết số 43-NQ/TƯ tại hội nghị.

Theo Chủ tịch nước, qua 20 năm thực hiện, nước ta đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, quan điểm, chủ trương và giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 23-NQ/TƯ đề ra.

Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường và phát huy trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân với đội ngũ trí thức.

Giai cấp công nhân được nâng lên nhiều mặt, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao chất lượng nền kinh tế. Năm 2003, giai cấp công nhân có khoảng 8 triệu người, đến nay đã tăng lên 17 triệu, trong đó công đoàn viên có 11 triệu người. Giai cấp nông dân có nhiều chuyển biến quan trọng, trở thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại. Đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng và chất lượng, phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế...

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, quyền làm chủ của nhân dân được coi trọng, ngày càng đi vào thực chất, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Vai trò của nhân dân trong tham gia, quyết định chính sách liên quan đến cuộc sống, những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước được phát huy; quyền con người, quyền công dân được đề cao...

Tuy nhiên, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở một số lĩnh vực, địa bàn hiệu quả chưa cao, chưa khơi dậy, phát huy được tiềm năng to lớn trong nhân dân. Một số chính sách chưa sát với thực tiễn, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn khó khăn. Việc bảo đảm cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" có mặt còn hạn chế. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu...

Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa đầy đủ, sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện chưa nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu gương mẫu, chưa thực sự gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân...

Đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trung ương thống nhất cao ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TƯ nhằm tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng truyền đạt Nghị quyết số 43-NQ/TƯ tại hội nghị.

Nghị quyết số 43-NQ/TƯ nêu rõ 4 quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó tiếp tục xác định, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.

Chúng ta lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. “Mỗi người có cách yêu nước riêng của mình, nhưng điểm hội tụ chung là mục tiêu xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc, cụ thể là đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao", Chủ tịch nước chia sẻ.

Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là còn là giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao cuộc sống của Nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển.

Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Nghị quyết số 43-NQ/TƯ xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trong đó, nhiệm, giải pháp hàng đầu là phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với tăng cường tuyên truyền, giáo dục, các cấp, các ngành phải tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp, kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của cử tri và nhân dân; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị ở cơ sở, cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo góp phần tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận xã hội, động viên nhân dân tham gia tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của địa phương, đất nước; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Cùng với đó phải chú trọng xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị và trong Nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động nhận diện, phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời âm mưu, thủ đoạn, hành động chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đó còn là nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của Nhân dân; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top