ĐBP - Ngày 20/12, đồng chí Bùi Ngọc Lam, Phó tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập. Dự tại điểm cầu Điện Biên có đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những điểm mới quan trọng trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 với nhiều quy định mới về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Nội dung này đã được Luật quy định riêng trong một mục (Mục 6 Chương II, gồm 24 điều). So với quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng khác, biện pháp kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn được quy định trong nhiều điều luật nhất của Luật PCTN năm 2018 (24 trong tổng số 96 điều). Nội dung kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn cũng có thay đổi rất nhiều so với quy định trong Luật PCTN năm 2005. Mục đích của kiểm soát TSTN là để biết rõ TSTN, biến động về TSTN, nguồn gốc TSTN tăng thêm của người kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác quản lý cán bộ; kịp thời phát hiện tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành biện pháp kiểm soát TSTN thời gian qua theo Luật PCTN năm 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP cho thấy những vướng mắc, bất cập chủ yếu tập trung vào thực hiện việc kê khai và xác minh TSTN; thẩm quyền xác minh tài sản, thu nhập. Một số địa phương, bộ, ngành kiến nghị cần sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý các quy trình, quy định, biểu mẫu liên quan đến công tác kiểm soát TSTN; chế tài xử lý những vi phạm. Đặc biệt, do không có chế tài xử lý đối với những trường hợp có hành vi gian dối, nên chưa đảm bảo được sự chính xác, trung thực đối với hồ sơ kê khai.
Tại hội nghị, những vướng mắc trong việc thực hiện kê khai TSTN bổ sung khi chưa thực hiện xác minh; việc phân cấp trong thực hiện xác minh TSTN; vấn đề kê khai các khoản vay mượn, cổ phiếu… cũng được Thanh tra Chính phủ giải đáp, làm rõ thêm.
Phó Tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của đại biểu tại các điểm cầu. Thanh tra Chính phủ sẽ tổng hợp, kiến nghị đến cấp thẩm quyền để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, góp phần phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tham nhũng; phục vụ công tác cán bộ, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.