Kiểm soát tốt lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân

08:51 - Thứ Tư, 24/01/2024 Lượt xem: 3685 In bài viết

Chiều 23-1, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác chỉ đạo, điều hành giá năm 2023; dự báo tình hình, những yếu tố tác động đối với mặt bằng giá hàng hóa dịch vụ năm 2024, đề ra giải pháp hữu hiệu để chỉ đạo, điều hành trong năm nay.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, điều hành giá mang tính chất kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả. Ngày 5/1, Chính phủ đã họp với các địa phương, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024), nêu cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, trong đó có công tác điều hành giá. Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, các chính sách vĩ mô khác trên tinh thần đồng bộ, hiệu quả, kịp thời, phù hợp với tình hình.

Nhấn mạnh chỉ còn nửa tháng nữa là đón Tết Nguyên đán, Thường trực Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 26-CT/TW, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 30/CT-TTg, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung các giải pháp đảm bảo hàng hóa, cung cầu thị trường, đặc biệt là nhu cầu thiết yếu trong dịp Tết, để người dân vui Xuân, đón Tết an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, hiệu quả, tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế mà các Chỉ thị đã đề ra.

Cùng với đó, tập trung các giải pháp để chủ động từ sớm đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Cho rằng năm 2023 đã điều chỉnh giá kịp thời một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá nhưng cũng rất bị động, Phó Thủ tướng chỉ đạo các nội dung này phải được lưu ý trong năm nay, các bộ, ngành, cơ quan liên quan điều chỉnh giá cho phù hợp.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, đối với hoạt động đảm bảo sản xuất kinh doanh, cung cầu hàng hóa kịp thời, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu, năng lượng… "Nếu làm tốt sẽ chủ động trong kiểm soát giá, làm cơ sở góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế, thực hiện được các mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lưu ý Luật Giá (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, việc triển khai, cụ thể hóa, hướng dẫn Luật là rất quan trọng; đề nghị các đại biểu cho ý kiến góp ý để triển khai Luật tốt hơn, làm căn cứ, cơ sở điều hành trong năm 2024 và những năm về sau.

Theo Thứ trưởng Tài chính Lê Tấn Cận, mặt bằng giá cả thị trường trong năm 2023 biến động tăng vào đầu năm sau đó theo xu hướng giảm dần và tăng nhẹ trở lại trong quý IV. Bình quân năm 2023, CPI tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước, trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn 0,91% so với mức tăng CPI bình quân chung, chủ yếu do một số mặt hàng như xăng dầu, giá gas giảm khiến lạm phát chung giảm nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản, đồng thời một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính lạm phát cơ bản có xu hướng tăng kéo dài như "Nhà ở thuê", "Ăn uống ngoài gia đình".

Nguyên nhân làm tăng CPI trong năm 2023 được Bộ Tài chính chỉ ra là chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,44% so với năm trước do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, tác động làm CPI chung tăng 0,46%. Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,58% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,24% do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao. Bên cạnh đó là chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, đồ uống và thuốc lá, thuốc và dịch vụ y tế, hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng đã tác động làm CPI tăng lên.

Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng hóa như xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông giảm giá, làm CPI chung giảm.

Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như bảo đảm nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất. Công tác quản lý điều hành giá được thực hiện chủ động, điều hành giá mặt hàng nhà nước quản lý thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2023, các quý tiếp theo thực hiện linh hoạt theo diễn biến CPI với mức độ và liều lượng phù hợp. Điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến giá thế giới, rút ngắn chu kỳ điều hành xuống còn 01 tuần. Ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá…

Nhận định năm 2024 khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những khó khăn nội tại, để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra là tăng trưởng GDP từ 6-6,5% và tốc độ tăng CPI bình quân từ 4 – 4,5%, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, công tác quản lý, điều hành giá cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp theo diễn biến chỉ số giá tiêu dùng; đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, triển khai thi hành Luật Giá (sửa đổi).

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2024, tổng hợp các thông tin đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước về các yếu tố tác động đến lạm phát năm 2024, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đưa ra 3 kịch bản lạm phát với các mức dự báo CPI bình quân tăng 3,52%, 4,03% và 4,5%.

Theo baobinhduong
Bình luận

Tin khác

Back To Top