Cùng suy ngẫm

Tháng Giêng… không để ăn chơi

13:10 - Thứ Tư, 28/02/2024 Lượt xem: 11853 In bài viết

ĐBP - Mỗi năm nước ta có chừng 8.000 lễ hội, tập trung vào mùa xuân, đặc biệt là tháng Giêng. Cũng vì thế mà có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Đây là khoảng thời gian có nhiều hoạt động vui chơi, thăm thú; cùng với quan niệm có thể bớt chút thời gian du xuân, vui hội đầu năm đã khiến tháng Giêng đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp…

Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự nghiêm minh chấn chỉnh, giám sát thực hiện, đã giảm hẳn tình trạng đồng loạt cắt phép du xuân, “tranh thủ” thời gian làm để đi lễ, hoặc lồng ghép công tác, học tập để du xuân…

Thay vào đó, những ngày làm việc đầu năm mới bắt đầu với không khí sôi nổi, vui tươi, nhưng là hứng khởi bắt tay vào hiện thực hóa mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Với Điện Biên, nhiều địa phương, cơ sở còn biến nguy thành cơ, biến khó khăn thành động lực khi cấp ủy, chính quyền địa phương và các trường học phối hợp trong công tác vận động, huy động học sinh đến trường đúng lịch.

Với đặc thù vùng cao, vùng sâu vùng xa cơ bản là đồng bào dân tộc thiểu số; sau tết rất nhiều học sinh nghỉ học cả tháng để chơi xuân, vui hội cùng cha mẹ; thậm chí ở nhà lấy chồng lấy vợ; bỏ học đi làm thuê… Để thực hiện mục tiêu huy động trẻ đến trường; ngay từ sớm, từng trường học, điểm trường, giáo viên đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở thôn bản thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Nhà trường tuyên truyền quán triệt về việc trở lại trường sau tết đến học sinh, phụ huynh học sinh; chuẩn bị kĩ, xây dựng kế hoạch hoạt động hấp dẫn, thu hút học sinh sau tết. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở phố, bản phối hợp đôn đốc, nhắc nhở các hộ gia đình trên địa bàn…

Tại nơi trường, điểm trường, điểm bản đứng chân, nhiều hoạt động vui xuân được tổ chức bởi chính quyền cơ sở, nhưng có sự tham gia giao lưu dự thi của các đội trường học (là thầy cô và học sinh). Cũng có trường học linh hoạt bố trí, tổ chức hoạt động tập thể, chương trình giao lưu, hoạt động trải nghiệm, thi đấu văn hóa, thể thao vào những ngày đầu năm mới… để học trò có thêm động lực về trường.

Bằng cách làm linh hoạt, sự phối hợp, chung tay hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở với ngành giáo dục đã góp phần quan trọng thu hút học sinh đến trường đúng lịch, ổn định sĩ số, tinh thần bước vào học tập sau tết. Ghi nhận thành quả dần thay đổi thói quen, suy nghĩ, quan niệm của học sinh, phụ huynh học sinh về vui hội đầu năm. Song đầu tiên, cần ghi nhận sự thay đổi, tiến bộ của những thầy cô, nhà trường, cấp ủy, chính quyền cơ sở. Bởi chính nhờ họ tiến bộ, nghiêm túc, trách nhiệm mới khi nhận ra “tháng Giêng… không phải là tháng ăn chơi”; từ đó có sự chung tay, đồng lòng thay đổi ý thức học trò, người dân...

Thảo Vi
Bình luận

Tin khác

Back To Top