Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn 8 nhóm vấn đề lĩnh vực tài chính, ngoại giao

18:06 - Thứ Hai, 18/03/2024 Lượt xem: 4288 In bài viết

ĐBP - Ngày 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tại phiên họp thứ 31.

Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính, việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời thỏa đáng các câu hỏi chất vấn của đại biểu.

Buổi chiều cùng ngày, phiên chất vấn diễn ra với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao gồm: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.

Đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên chất vấn: Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn được bình chọn là điểm đến ưa thích của khách du lịch. Và chúng ta cũng đã đơn phương hoặc ký kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước nhằm tạo điều kiện cho việc thu hút du lịch, tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, du lịch cũng rất nhiều. Tuy nhiên, khá ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thực của công dân Việt Nam còn gặp khá nhiều khó khăn, phức tạp. Vậy, vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này như thế nào? Bộ có giải pháp gì để cải thiện tình hình này, tạo thêm thuận lợi cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp visa cho người nước ngoài vào Việt Nam cho tương xứng với vị thế của đất nước trong giai đoạn hiện nay?

Đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ảnh: C.T.V

Nội dung này được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời: Hiện nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân nước ngoài và công dân Việt Nam. Bộ đã đàm phám miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 nước; đàm phán miễn thị thực song phương với 15 nước. Đang triển khai đàm phám hiệp định song phương về ngoại giao với 80 nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo các địa phương, bộ ngành, công dân trong việc đi lại.

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn có 5 lượt đại biểu tranh luận, tổng số 86 câu hỏi về các vấn đề mà đại biểu quan tâm. Các nhóm vấn đề chất vấn rất quan trọng, thu hút sự quan tâm của các đại biểu và cử tri cả nước. Hai Bộ trưởng có sự chuẩn bị kĩ, trả lời rõ ràng, ngắn gọn, đúng trọng tâm các câu hỏi, làm rõ thực trạng; đồng thời có đề xuất giải pháp các vấn đề chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành và đồng thuận các cam kết của các Bộ trưởng.

Ngay sau phiên chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn; các ĐBQH tiếp tục thực hiện giám sát về hành động, lời hứa của các Bộ trưởng. Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao nghiêm túc tiếp thu các ý kiến về những tồn tại, hạn chế của ngành mà ĐBQH đã chỉ ra tại phiên chất vấn.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top