Bổ sung quy định về khái niệm vũ khí để phù hợp thực tiễn

15:18 - Thứ Ba, 02/04/2024 Lượt xem: 4035 In bài viết

Ngày 2-4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Trình bày tờ trình về dự án luật, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các bộ, ngành, UBND và công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong đó, công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tiến hành thường xuyên, rộng khắp, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Trong 5 năm qua, toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp 99.689 khẩu súng các loại và nhiều bom, mìn, lựu đạn, thuốc nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ khác. Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đấu tranh quyết liệt, hiệu quả đối với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trong 5 năm, toàn quốc đã phát hiện 34.109 vụ, bắt giữ 56.027 đối tượng, thu 4.975 khẩu súng các loại.

Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc. Trong đó, khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã bộc lộ hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

 Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án luật.

Các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế, dao và công cụ, phương tiện tương tự vũ khí thô sơ nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Việc sửa đổi luật cũng nhằm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ…

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 8 chương, 74 điều. Trong đó, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng luật, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật. 

Cụ thể, bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Đồng thời, quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng. Bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, nén khí, nén hơi vào nhóm vũ khí quân dụng, trường hợp các loại súng này sử dụng vào mục đích săn bắn thì được xác định là súng săn. 

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Hồ sơ dự án luật đã đầy đủ các tài liệu quy định, đủ điều kiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy. 

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị rà soát kỹ các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là quy định liên quan đến quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời rà soát quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính tương thích.

Quang cảnh phiên họp. 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án, hồ sơ, quy trình bảo đảm tuân thủ quy định, được chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu thêm một số nội dung và tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật, các luật hiện hành cũng như các dự án luật đang được xây dựng như Bộ luật Hình sự, Luật Quảng cáo, Luật Doanh nghiệp, Luật Hóa chất, dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp… Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) có thể trình Quốc hội xem xét thông qua tại một kỳ họp để đáp ứng yêu cầu quản lý hiện nay.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top