Đi và viết

14:03 - Thứ Năm, 11/04/2024 Lượt xem: 5837 In bài viết

ĐBP - Mười bốn năm công tác tại Báo Điện Biên Phủ, tôi được học tập, rèn luyện và trưởng thành hơn trên mỗi hành trình đi và viết. 

Để có bài viết mang hơi thở cuộc sống ngoài kỹ năng làm báo thì nhất định phải đi thực tế, thu thập thông tin, tư liệu “sống” tại cơ sở. Trong ảnh: Phóng viên Mai Phương (ngoài cùng bên trái) tác nghiệp tại địa bàn vùng cao.

Nhớ lại thời gian đầu khi tôi được Ban Biên tập giao thử việc tại Phòng Biên tập (nay là Phòng Thư ký - Tòa soạn), vừa học vừa làm, tôi đã cùng các cô, chú, anh, chị trong phòng tham gia hoàn thiện các số báo in. Dần dần tôi lại được “cầm tay chỉ việc” từ cách tác nghiệp đến cách viết tin, bài cho các ấn phẩm Báo Điện Biên Phủ. Sau 3 tháng thử việc tôi được Ban biên tập ký hợp đồng rồi trở thành phóng viên chính thức đến bây giờ. Thời gian đầu, mọi thứ đều lạ lẫm, nhất là với “dân ngoại đạo” như tôi, song tôi may mắn có những người thầy đầu tiên cũng chính là những đồng nghiệp giỏi nghề, say nghề luôn tận tình động viên, giúp đỡ. 

Nghề báo là những chuyến đi, là chuỗi ngày xa gia đình, phải tác nghiệp trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, thậm chí nguy hiểm! Để có bài viết hay, sâu sắc, ý nghĩa ngoài kỹ năng làm báo thì nhất định phải đi thực tế, thu thập thông tin, tư liệu “sống” tại cơ sở. Với tôi, mỗi chuyến đi như vậy là mỗi trải nghiệm, cung bậc cảm xúc khác nhau.

Phóng viên Mai Phương (ngoài cùng bên trái) tác nghiệp trong mùa mưa lũ tại huyện Mường Nhé.

Đó là những chuyến đi tới các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khiến tôi càng thấu hiểu, có cái nhìn khách quan hơn về cuộc sống của người dân địa phương. Càng đi nhiều, được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, chứng kiến nhiều cảnh đời, số phận... tôi thấy mình thật may mắn và trưởng thành hơn trong suy nghĩ và cách nhìn nhận vấn đề đặt ra. Đặc biệt qua những chuyến đi về cơ sở ấy đã giúp cho bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống. 

Sóng to, gió lớn, việc di chuyển phóng viên từ tàu lên đảo (qua xuồng truyền tải) để tác nghiệp rất khó khăn, nguy hiểm.

Hành trình đi và viết còn là những chuyến đi “để đời” trong nghề báo như chuyến hải trình thăm, tặng quà và chúc tết cán bộ, chiến sĩ tại các đảo thuộc tuyến biển đảo Tây Nam (tỉnh Kiên Giang) và huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Tôi còn nhớ như in hành trình 15 ngày lênh đênh trên biển Đông vào cuối tháng 12/2022 đến huyện đảo Trường Sa. Không internet, không sóng điện thoại và nhiều ngày không ăn uống được bởi say sóng. Cuối năm là thời điểm biển thường có bão, sóng to, gió lớn; việc di chuyển từ tàu lên đảo rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Dù vậy, mỗi lần cập đảo thành công, tôi và các đồng nghiệp từ mọi miền đất nước lại nhanh chóng lấy lại tinh thần, quên đi mệt mỏi và hòa mình vào không khí tác nghiệp hăng say. Với tôi đây là niềm vinh dự, tự hào, là chuyến đi không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của mình... 

Phóng viên Mai Phương (ngoài cùng bên phải) tác nghiệp tại đảo Đá Đông B, quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Năm tháng rong ruổi với những cuộc đi - viết, tôi đã trưởng thành hơn trong nghề nhưng chưa bao giờ quên lời động viên chân thành của những đồng nghiệp, những cán bộ ở cơ sở dành cho mình. Bởi nó không chỉ khích lệ, giúp tôi vượt qua khó khăn mà còn như một lời nhắn nhủ để tôi luôn cố gắng đi và viết bằng trí tuệ, tình cảm, làm thế nào để bài viết của mình có thể chạm đến được trái tim của bạn đọc. Nghề báo là nghề vất vả và nhiều áp lực, nhất là đối với nhà báo nữ nhưng tôi luôn cảm thấy may mắn vì mình đã chọn đúng nghề và được làm việc trong một tập thể có sự quan tâm, gắn bó, sẻ chia. Báo Điện Biên Phủ đã tạo môi trường tốt cho những phóng viên như tôi có cơ hội được học tập, rèn luyện, trau dồi nghiệp vụ; được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà báo lão thành cũng như các anh chị em, bạn bè đồng nghiệp.

Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top