Điện Biên theo dòng lịch sử

09:28 - Chủ Nhật, 28/04/2024 Lượt xem: 7834 In bài viết

ĐBP - Hàng trăm tài, liệu hình ảnh về lịch sử vùng đất Điện Biên từ thuở sơ khai đến nay với những mốc son chói lọi được tái hiện sinh động trong triển lãm “Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ” dưới hình thức trực tuyến 3D. Qua đây, giúp người xem có cái nhìn tổng quát, rõ nét hơn về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước. Góp phần nâng cao nhận thức, niềm tự hào về mảnh đất, con người Điện Biên cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bản đồ phủ Điện Biên. (Nguồn: Sách Đồng Khánh địa dư chí).

Danh xưng Điện Biên

Nhiều bằng chứng khảo cổ học cho thấy người thượng cổ đã có mặt ở nơi đây từ thời kỳ đồ đá. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và sự biến thiên của thời gian, địa giới hành chính và tên gọi của vùng đất Điện Biên theo đó có nhiều thay đổi. Cách đây 183 năm (1841), lần đầu tiên danh xưng Điện Biên chính thức xuất hiện trên bản đồ địa giới hành chính nước ta khi vua Thiệu Trị cho tách các châu Ninh Biên, Tuần Giáo, Châu Lai (của tỉnh Hưng Hóa) để đặt thêm phủ Điện Biên. Đến cuối thời vua Tự Đức (nhà Nguyễn), trước khi có sự can thiệp của thực dân Pháp, phủ Điện Biên quản lãnh 5 châu là: Ninh Biên, Châu Lai, Châu Luân, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo.

Năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Sau khi chiếm được Bắc Kỳ, để thực hiện chính sách vừa bình định vừa chiếm đóng, Pháp đã phân chia địa bàn từ Thanh Hóa trở ra Bắc thành 14 quân khu đồng thời vẫn duy trì chính quyền dân sự. Năm 1891, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định bãi bỏ các quân khu và cho thiết lập 4 đạo quan binh ở Bắc Kỳ. Trong đó, Điện Biên thuộc đạo quan binh 4 Sơn La. Sau đó, được chia thành tiểu quân khu Vạn Bú với 8 châu, trong đó có Điện Biên. Đến năm 1895, tiểu quân khu Vạn Bú trở thành tỉnh Vạn Bú, sau đó đổi tên thành tỉnh Sơn La. 5 năm sau đó, Toàn quyền Đông Dương quyết định tách một số châu, phủ của tỉnh Sơn La để thành lập tỉnh Lai Châu và chuyển sang chế độ cai trị quân sự. Bất bình với chính sách cai trị của thực dân Pháp, thủ lĩnh người Mông, Vừ Pa Chay đã đứng lên kêu gọi đồng bào đấu tranh trong giai đoạn 1918 - 1922.

Bản đồ châu Tuần Giáo. (Nguồn: Sách Đồng Khánh địa dư chí).

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, quân Pháp quay lại nổ súng với quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Bộ chỉ huy quân đội Pháp tập trung quân, xây dựng lòng chảo Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Nhận thấy đây là thời cơ để tiêu diệt sinh lực địch, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ, ngày 7/5/1954, ta đã hoàn toàn chiến thắng.

Đến năm 1992, thị xã Điện Biên Phủ được thành lập theo quyết định số 130/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng trên cơ sở thị trấn Điện Biên và xã Thanh Minh thuộc huyện Điện Biên. Đến tháng 9/2003, TP. Điện Biên Phủ được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu. Ngày 26/11/2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lai Châu thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên.

Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát.   Ảnh tư liệu

Quảng bá Điện Biên

Triển lãm “Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ” là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng 183 năm danh xưng Điện Biên, 115 năm thành lập tỉnh Điện Biên, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Điện Biên.

“Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ” gồm 3 phần. Phần 1: “Từ vùng đất của người Việt cổ đến danh xưng Điện Biên”, được chia làm hai giai đoạn gồm Điện Biên trước thế kỷ 19 và Điện Biên dưới triều Nguyễn. Phần 2 mang tên “Điện Biên - Điểm hẹn của lòng yêu nước”, gồm hai chương là Điện Biên thời Pháp thuộc và Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng. Phần 3: “Điện Biên - Hành trình đổi mới” với hai nội dung chính là từ nông trường Điện Biên đến TP. Điện Biên Phủ và quy hoạch phát triển tỉnh Điện Biên.

Không gian triển lãm được xây dựng theo mô hình 3D chiến trường Điện Biên Phủ.

Với hơn 300 tư liệu, hình ảnh, trong đó nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố về lịch sử Điện Biên đã được thiết kế sinh động, hấp dẫn trong không gian triển lãm 3D, lấy ý tưởng từ những địa danh nổi tiếng như: Thành Bản Phủ, khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ... Trong đó, các tài liệu quý như: Quyết định của Toàn quyền Đông Dương về thành lập tỉnh Lai Châu; thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ Tây Bắc năm 1953; lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát. Tư liệu tiêu biểu có Sổ huân chương tặng thưởng cho Nông trường Điện Biên từ ngày thành lập đến hòa bình lập lại…

Hình ảnh về không gian triển lãm 3D trong “Điện Biên theo dòng lịch sử”.

Triển lãm đã góp phần giúp người xem hiểu hơn về lịch sử mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.

Ông Nguyễn Xuân Trọng, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Thông qua triển lãm này, tôi được biết nhiều tài liệu, hình ảnh quý giá về tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, sinh sống trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng gần 80 năm, nhưng tôi chưa bao giờ nghe, biết Điện Biên được hình thành, xuất hiện từ những năm 1841. Nhiều tư liệu quý từ xa xưa đến nay đã giúp tôi hiểu thêm về Điện Biên qua từng thời kỳ”.

Một góc TP. Điện Biên Phủ hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Điện Biên cho biết: Cuộc triển lãm với ứng dụng công nghệ làm gia tăng trải nghiệm giác quan của người xem, đưa công chúng trở về với cội nguồn lịch sử và giúp người xem có cái nhìn tổng thể và rõ nét hơn về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng. Qua đó giúp người xem hiểu thêm về một vùng đất anh dũng trong chiến đấu, hăng hái trong lao động, tích cực trong phát triển kinh tế, cởi mở trong hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Thông qua triển lãm góp phần giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, con người, văn hóa Điện Biên với bạn bè trong nước và thế giới.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử và sự biến thiên của thời gian, đi qua những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Điện Biên đã trở thành điểm hẹn lịch sử của hòa bình. Miền hoa ban giờ đây đang vươn mình phát triển với định hướng trở thành trung tâm vùng Tây Bắc.

Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top