Hậu phương Điện Biên trong chiến dịch Hồ Chí Minh

09:15 - Thứ Năm, 02/05/2024 Lượt xem: 5309 In bài viết

ĐBP - Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1954), quân và dân các cân tộc tỉnh Điện Biên bắt tay vào thi đua khắc phục hậu quả chiến tranh, lao động sản xuất. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Điện Biên đã chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 - mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam, non sông thu về một mối.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Bích và những kỷ vật, những tấm huy chương được trao tặng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ký ức một thời “hoa lửa”

Cách đây 50 năm, khi ấy chàng thanh niên 19 tuổi Nguyễn Quang Bích (hiện nay ở tổ dân phố 2, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ) tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Sau khi nhập ngũ ông được biên chế vào huấn luyện tại C46 - K12 - Đoàn 22B, Quân khu 4. Sau 3 tháng huấn luyện cơ bản, ông được phân công về Đại đội 19 trinh sát, Lữ đoàn 219, Quân đoàn 2. Là lính trinh sát, ông Bích trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường B (chiến trường miền Nam) và tham gia nhiều chiến dịch lớn nhỏ như: Chiến dịch Thượng Đức - Quảng Đà; Chiến dịch Huế - Đà Nẵng; sau này là Chiến dịch Hồ Chí Minh - mùa Xuân năm 1975.

Ông Bích kể: Thực hiện mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, sau khi giải phóng Đà Nẵng đơn vị chúng tôi hành quân vào Sài Gòn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 26/4/1975, đơn vị đã có mặt tại Long Khánh (Đồng Nai). Một trong những trận đánh khốc liệt nhất là khi đơn vị tôi tiến đánh vào Phan Rang (quê hương của Tổng thống Ngụy Nguyễn Văn Thiệu). Tại đây địch tăng cường quân số, vũ khí, khí tài nhằm tử thủ. Hai bên giằng co nhau từng tấc đất, từng ngôi nhà. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc “Dinh Độc lập”, đơn vị trinh sát của tôi đã cử 3 người (gồm tôi và 2 đồng chí khác) chốt ở Thủ Đức, đón chặn xe quân sự của địch tháo chạy khỏi Sài Gòn. Chúng tôi đã thu giữ được 50 xe quân sự cùng nhiều vũ khí, khí tài quan trọng”.

Chiếc túi quân y, kỷ vật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn được cựu chiến binh Nguyễn Quang Bích mang theo bên người.

Trong câu chuyện, nhiều lần ông Bích nghẹn ngào, mắt ngấn lệ khi nhắc đến những người đồng đội từng kề vai sát cánh trong nhiều chiến dịch nhưng nay không còn. Như người Đại đội trưởng Đại đội trinh sát của ông hi sinh đúng ngày 30/4/1975 trong trận đánh tại bến phà Cát Lái, khi quân ta đã giành chiến thắng và chỉ cách thời khắc lá cờ giải phóng tung bay trên nóc “Dinh Độc lập” chưa đầy 2 giờ. “Tôi vẫn nhớ như in câu nói của đồng chí Đại đội trưởng: Chúng mình bị bom đánh vào đội hình mà không chết, thì còn lâu mới chết Bích ạ!” - ông Bích bồi hồi kể lại!

Đối với cựu chiến binh Lô Quang Thắng (phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ), những ký ức về một thời bom đạn hào hùng có vui, có buồn. Vui vì đã giành chiến thắng thống nhất đất nước; buồn vì những hi sinh mất mát của đồng đội.

Tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, ông Lô Quang Thắng thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Từng là lính công binh, sau chuyển sang bộ binh; tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã trực tiếp chiến đấu tại các cao điểm: 383, 700 và cao điểm 1062.

Ông Thắng xúc động chia sẻ: “Trong một lần chiến đấu tại Đại Lộc, Ái Nghĩa (phía bên kia sông Vu Gia, Quảng Nam) tôi vẫn nhớ như in ngày hôm đó bị máy bay địch ném bom, sức ép của bom làm đồng đội tôi bị chảy máu tai, máu mũi. Chúng tôi phải dùng cáng đưa đồng đội về trạm y tế gần sông Vu Gia, trên đường vận chuyển lại bị trúng pháo giàn của địch, mọi người bị bắn ra xa. Tôi may mắn có đồng chí tiểu đội trưởng Bùi Bá Thước nằm đè lên trên nên không trúng mảnh đạn pháo. Anh Thước bị thương một vệt dài từ bả vai xuống thắt lưng. Thời khắc đó, chúng tôi phải giữ bình tĩnh, vừa tránh đạn pháo, vừa đưa đồng đội về trạm y tế, bản thân tôi trực tiếp cõng đồng chí tiểu đội trưởng”.

Những kỷ vật, phần thưởng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn được cựu chiến binh Lô Quang Thắng trân trọng gìn giữ.

Vì miền Nam ruột thịt

Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và “Đáp lời tiền tuyến gọi, hậu phương sẵn sàng”, Nhân dân các dân tộc Điện Biên thực hiện cuộc vận động: “Toàn dân chi viện tiền tuyến”, với tinh thần “thóc thừa cân, quân thừa người”. Khắp các địa bàn từ vùng thấp đến vùng cao đều dấy lên phong trào tòng quân, thi đua lao động sản xuất. Có gia đình đã tiễn đến người con thứ 3 ra trận. Có những nam nữ thanh niên hoãn ngày cưới để lên đường nhập ngũ.

Theo sử liệu thống kê trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh đã phát huy nỗ lực cao nhất, chi viện cho chiến trường miền Nam. Đã có 9.274 thanh niên và cán bộ, công chức, viên chức lên đường đánh Mỹ.

Phong trào “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”. (Ảnh tư liệu)

Cùng với việc chi viện cho chiến trường miền Nam, trên mặt trận chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại miền Bắc, quân và dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã anh dũng đánh trả 648 trận, phối hợp bắn rơi tại chỗ 14 máy bay phản lực, bắn thương 45 chiếc. Đặc biệt nhiều nơi dân quân đã dùng súng bộ binh bắn rơi, bắn thương máy bay phản lực của Mỹ như: Dân quân xã Thanh An, huyện Điện Biên; dân quân xã Búng Lao, huyện Tuần Giáo (nay thuộc huyện Mường Ảng). Đã xuất hiện những tấm gương phụ nữ dân tộc đầu tiên của Điện Biên cầm súng bắn máy bay Mỹ như: Lò Thị Ún, Lò Thị Oi, Quàng Thị Son...

Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, tinh thần của chiến thắng 30/4/1975, ngày nay mỗi cán bộ, đảng viên, người dân các dân tộc Điện Biên tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết; ý chí tự lực, tự cường xây dựng quê hương Điện Biên phát triển nhanh và bền vững.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top