Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024): Chín năm làm một Điện Biên…

15:42 - Thứ Sáu, 03/05/2024 Lượt xem: 6570 In bài viết

Những ngày này, quân và dân cả nước hăng hái thi đua lao động, học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lập thành tích chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Bầu trời Hà Nội như cao hơn, trong xanh hơn, đón đợt nắng đầu mùa hè rực đỏ hoa gạo, hoa ban. Các con đường, góc phố Thủ đô, từ ngoại thành đến nội thành, rực rỡ cờ hoa đón chào ngày hội lớn, tràn ngập niềm vui chung ba miền: Hà Nội - Huế - Sài Gòn và Hà Nội - Điện Biên kết nghĩa.

1. Hà Nội - Điện Biên Phủ chỉ cách nhau nửa giờ bay của hãng hàng không nhưng lại khác xa nhau về khung giờ thời tiết vùng Đồng bằng Bắc Bộ và vùng núi rừng Tây Bắc. Mấy hôm nay, nói chính xác hơn, gần một tuần lễ rồi, bầu trời tỉnh Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ dày mây, sương mù, sáng và đêm có mưa nhỏ, thời tiết mát lạnh, dễ chịu. Dường như đây cũng là đợt rét cuối vụ - rét nàng Bân đang tràn về. Gió lạnh, sắc xuân lại một lần nữa đến với xứ sở hoa ban - “Thủ đô” của vùng đất miền núi cao Tây Bắc.

Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng. Ảnh: Tuấn Điệp

Cảng Hàng không Điện Biên được nâng cấp cải tạo mở rộng, sức chứa tăng gấp hai lần, đủ điều kiện đón các loại máy bay vận tải A320, A321 cất, hạ cánh, được đưa vào sử dụng trước Tết Giáp Thìn 2024, có thể đón nửa triệu hành khách mỗi năm. Giao thương hàng không Điện Biên hiện đại, mở đường cho nền kinh tế thương mại hàng hóa, du lịch, văn hóa không chỉ dừng lại ở các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, mà là cả vùng Tây Bắc kết nối, hòa nhập, tạo ra cơ hội mới, phát triển toàn diện.

2. Người dân thành phố Điện Biên Phủ đang sống, làm việc trong không khí ngày hội lớn. Từ đại lộ Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái đến các tuyến phố, con đường đều được trang hoàng đẹp, tràn ngập màu đỏ của cờ hoa, lộng lẫy sắc màu ngày xuân tươi mới, chào đón ngày hội lớn của đất nước, của dân tộc. Trên gương mặt các em nhỏ quàng khăn đỏ cắp sách đến trường hay các thiếu nữ Tày, Thái, Mông, Dao và các bà mế răng đen, “tằng cẩu” vấn cao búi tóc đều toát lên niềm tự tin, tự hào của người chủ nhân đất nước - những công dân Điện Biên anh hùng.

Thành phố Điện Biên Phủ đã sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đón hàng triệu người thân, du khách về tụ hội trong dịp lễ trọng đại kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng. 70 năm, tương đương với độ tuổi trung bình một đời người - đưa người ta tiếp cận tuổi thất thập cổ lai hy! 70 năm so với lịch sử một dân tộc, một đất nước không phải là dài, nhưng còn được bao nhiêu cụ ông, cụ bà từng cầm súng, ôm bộc phá, đẩy xe thồ vận tải trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, hôm nay lại có mặt cùng đồng đội thăm lại chiến trường này!?

Chúng tôi, thế hệ hậu sinh sau Chiến thắng Điện Biên, may mắn có mặt ở thành phố Điện Biên Phủ anh hùng vào ngày diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (4-2024) do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với tỉnh Điện Biên và các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức. Hội thảo tái khẳng định đường lối đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, của Bác Hồ; ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng yêu nước nồng nàn, sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn của dân tộc; sự độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam; là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí anh dũng hy sinh quên mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Hố bộc phá trên di tích Đồi A1. Ảnh: Tuấn Điệp

3. Hơn nửa thế kỷ qua, Việt Nam ghi dấu son trên bản đồ thế giới với địa danh, danh nhân được tôn vinh: “Việt Nam - Điện Biên Phủ -Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp”. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, quân và dân ta đã ghi tạc một chiến công ngang tầm địa danh Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Rạch Gầm, Xoài Mút - những mốc son chống giặc ngoại xâm sáng chói, làm nên một thiên lịch sử bằng vàng: “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến của quân và dân ta, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Geneve, công nhận nền độc lập, thống nhất, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của ba nước: Việt Nam - Lào - Campuchia, chấp nhận rút quân khỏi Đông Dương.

Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu trang cách mạng của Lào, Campuchia. Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến, với “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non”, chúng ta đã lập nên kỳ tích mới, đó là chiến thắng của lòng tự tôn dân tộc, quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.

Với nghệ thuật quân sự “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”, sự chỉ đạo tài tình của Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tham mưu chiến dịch, đã thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” dự kiến trong 2 ngày 3 đêm sang “đánh chắc, tiến chắc”, chúng ta đã giành toàn thắng.

15h30 ngày 7-5-1954, quân ta từ các hướng dũng mãnh xốc tới, đánh chiếm Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Casdtries và Bộ Tham mưu chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên.

Nhà tác chiến, nơi giao ban hằng ngày của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tuấn Điệp

4. Điện Biên Phủ hôm nay, vẫn còn đó dấu tích tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở thời điểm đó, nằm trong lòng chảo Điện Biên, 49 chốt chặn trên các cao điểm, đã được bảo tồn, tôn tạo trở thành di tích lịch sử - văn hóa bất tử, âm vang chiến tích “máu, bùn và hoa”. Đó là di tích cứ điểm đồi A1, D1, C2, Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, sân bay Mường Thanh, hầm Đờ Cát (De Castries). Và kia nữa, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, Sở Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng. Gần đây, Nhà nước ta đã hoàn công công trình Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ tọa lạc trên đồi cao giữa mây ngàn, gió núi kế bên Đồi A1.

Tưởng nhớ công lao to lớn của hàng ngàn, hàng vạn anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta đã quy tập các anh, các chị về hội tụ cùng đồng đội ở ba Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia: A1, Độc Lập, Him Lam. Cạnh đó, có Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao, quy tập các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu, hy sinh trên đất bạn Lào.

Nghĩa trang có diện tích hơn 32.000m2, nơi có 644 ngôi mộ của những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tuấn Điệp

Nghĩa trang Liệt sĩ A1, nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sĩ nhưng chỉ có 4 liệt sĩ có đủ cơ sở khắc tên trên bia mộ là các Anh hùng: Trần Can, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, còn lại là các liệt sĩ “chưa biết tên”. Thế mới biết, cuộc chiến ác liệt đến mức nào, bởi xương thịt các anh đã “máu trộn bùn non”...

5. Hơn 160 năm trôi qua, kể từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (năm 1858) và bảy thập niên Bản Anh hùng ca Điện Biên Phủ hoành tráng cử hành, chúng ta đã tiễn người lính Pháp cuối cùng về nước sau Hiệp định Geneve 1954, mối quan hệ Việt - Pháp đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, hiện nay đang phát triển sâu rộng, hiệu quả. Phát huy bản lĩnh Việt Nam và đường lối “ngoại giao cây tre Việt Nam” mềm dẻo, chúng ta sẵn sàng bắt tay, làm bạn với các quốc gia trên toàn thế giới, không phân biệt thể chế chính trị.

Năm 1973, Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 2013, quan hệ Việt - Pháp được nâng lên Đối tác chiến lược. Chúng ta đã đón các Tổng thống Pháp sang thăm, bao gồm Tổng thống F.Mitterand (1993), Tổng thống J.Chirac (1997, 2004), Tổng thống F.Hollande (2016). Hai nước có sự phối hợp hiệu quả, toàn diện trên các lĩnh vực, từ hợp tác kinh tế, quốc phòng - an ninh, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, văn hóa, giao lưu nhân dân. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trong những trụ cột trong quan hệ Việt - Pháp, khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (8-2020).

Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên. Ảnh: Tuấn Điệp

6. Đến với Điện Biên, Lai Châu là về với ngôi nhà chung Tây Bắc, quê hương của hoa ban đẹp mỏng manh, kiều diễm; hấp dẫn điệu xòe Thái hút hồn du khách. Sông Nậm Rốm vẫn xanh ngắt dòng nước nguồn trong mát, tưới cho các chân ruộng, cánh đồng lúa Mường Thanh gạo dẻo, cơm thơm, đưa chúng ta đến các xóm bản văn hóa, nông thôn mới. Tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ là địa danh kết nghĩa anh em với Thủ đô Hà Nội; là quê hương đền ơn, đáp nghĩa của các tỉnh, thành phố trên tinh thần cả nước chung tay, góp sức vì Điện Biên, Điện Biên vì cả nước, để “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”.

Những công trình kinh tế, thương mại, du lịch, văn hóa - xã hội ngày càng khang trang, hiện đại, mọc lên trên đất Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ không chỉ là sự nhìn nhận đúng tầm, bù đắp xứng đáng cho sự hy sinh cao cả của đồng bào các dân tộc vì độc lập, tự do, mà còn là tấm lòng, trí tuệ, công sức của nhân dân Thủ đô và cả nước với bà con Tây Bắc, để miền núi sớm tiến kịp miền xuôi.

Trong những ngày qua, hưởng ứng các cuộc vận động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, các đoàn thể, cấp hội, cơ quan, đơn vị và chính quyền các cấp đã và đang vận động, đóng góp quỹ xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây nhà Đại đoàn kết cho các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ và gia đình họ, đang gặp khó khăn đặc biệt.

Bất giác, trong tôi thức dậy lời ca hùng tráng: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui”.

Điện Biên Phủ bản anh hùng ca bất tử, ngọn đuốc cách mạng mãi bùng cháy, thắp sáng con tim, khối óc mỗi chúng ta!

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top