Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội họp Phiên toàn thể lần thứ 7

16:14 - Thứ Sáu, 03/05/2024 Lượt xem: 4553 In bài viết

Ngày 3/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì phiên họp. Cùng dự, có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thực hiện chương trình công tác năm 2024, tại phiên họp toàn thể lần thứ 7, Ủy ban trực tiếp thảo luận, cho ý kiến về dự thảo các báo thẩm tra của Ủy ban đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật của cơ quan chủ trì soạn thảo. Dự án luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét. Trong quá trình phối hợp thẩm tra dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến góp ý; có báo cáo tiếp thu, giải trình đối với các nội dung cụ thể.

Để phục vụ công tác thẩm tra, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ động ban hành kế hoạch, tiến hành thẩm tra theo quy trình, quy định; tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các chuyên gia về dự thảo Luật. Qua nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của các cơ quan, các chuyên gia, có một số vấn đề cần tiếp tục được thảo luận kỹ lưỡng.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thông qua Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư đối với chương trình.

Theo quy định, nội dung chủ yếu của nghị quyết bao gồm: mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư, công nghệ chính, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện. Chương trình có phạm vi rộng, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh đề nghị các đại biểu làm rõ hơn quan điểm trong tiếp cận, xây dựng chương trình, phương pháp thiết kế chương trình mục tiêu quốc gia, đối tượng, phạm vi của chương trình, về nguồn vốn của chương trình, tổ chức thực hiện…

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục luôn bám sát Chương trình công tác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, đoàn kết, dân chủ, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tổ chức, điều hành công việc; giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; phát huy được trí tuệ của đội ngũ trí thức, nhà khoa học tham gia vào công tác chuyên môn của Ủy ban.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Di sản (sửa đổi) và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Đây là các nội dung quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong điều kiện mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các thành viên Ủy ban cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, thấu đáo thận trọng, vì đây là dự luật quan trọng, được dư luận xã hội trong và ngoài nước quan tâm, liên quan tới nhiều lĩnh vực và nhiều luật khác, bảo đảm không chồng chéo, không trùng lắp; đồng thời, khắc phục được những bất cập, hạn chế, tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, cần tập trung thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa thành các chính sách, quy định cụ thể, có tính khả thi cao. Trong đó, quan trọng và cần là quy định chính sách để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa không bị mai một; nhất là chuyển đổi số trong văn hóa, số hóa di sản văn hóa; hợp tác công tư về phát triển văn hóa.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; cải tạo, nâng cấp các di sản văn hóa để phát triển văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc ở miền núi, hải đảo, dân tộc ít người.

Đồng thời, cần tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực xã hội, phân cấp phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung lớn mà Chính phủ dự kiến trình Quốc hội, được cử tri, nhân dân, các địa phương đặc biệt quan tâm. Do vậy, các nội dung Chương trình cần phải tính toán kỹ về nguồn lực; cân nhắc việc sử dụng, phân bổ nguồn lực sao cho bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; có lộ trình phù hợp để bảo đảm được tính khả thi của chương trình…

Nhấn mạnh chương trình có dự kiến tổng mức đầu tư lớn, diễn ra trong thời gian dài, có phạm vi tác động lớn, nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân cả nước, để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, chu đáo nhất, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan kiến nghị với Chính phủ xem xét những nội dung nào lớn; đồng thời bàn kỹ lưỡng việc huy động, quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn lực như thế nào cho trọng tâm, trọng điểm.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top