UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4

12:38 - Thứ Ba, 14/05/2024 Lượt xem: 5127 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (14/5), đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 4/2024 của UBND tỉnh. Tại phiên họp, các thành viên UBND tỉnh tập trung thảo luận, đánh giá, phân tích và cho ý kiến trực tiếp vào 4 dự thảo tờ trình, báo cáo liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.

Theo tờ trình về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2023 sang năm 2024, kết quả giải ngân vốn ngân sách địa phương năm 2023 đến hết tháng 1/2024 đạt 59,04%; số vốn đã hết thời hạn thanh toán chưa giải ngân là 532,2 tỷ đồng. Trên cơ sở ý kiến đại biểu, đồng chí Lê Thành Đô thống nhất trình HĐND tỉnh về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2023 sang năm 2024. Thống nhất trình HĐND tỉnh xem xét số vốn không chi hết mà không được phép kéo dài thì chuyển thành kết dư để phân bổ lại. Đồng thời, yêu cầu Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp rà soát, thống nhất lại số liệu về số vốn không được phép kéo dài. Riêng số vốn đề nghị kéo dài, các địa phương, chủ đầu tư cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng báo cáo về việc đề xuất kéo dài thời hạn giải ngân vốn.

Đối với tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu tập trung làm rõ những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; đồng thời đưa ra các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên họp.

Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô nhấn mạnh: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm (gần 14%). Nguyên nhân chủ yếu do yếu tố chủ quan như: chưa quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ và đôn đốc tiến độ thực hiện giải ngân; thiếu sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng; chưa tập trung việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý của các dự án; năng lực đội ngũ cán bộ vẫn còn hạn chế… Thời gian tới, cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95% trở lên. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, yêu cầu người đứng đầu phát huy tinh thần trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; rà soát từng danh mục dự án, từng chương trình, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tập trung phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Quá trình thực hiện kịp thời báo cáo khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền để tỉnh có hướng xử lý. Kiên quyết điều hòa, điều chỉnh vốn cho các dự án có tỷ lệ giải ngân tốt.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị các ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đối với chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (chủ yếu liên quan ngành Y tế và lao động) tập trung cao độ cho công tác giải ngân vốn. Đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư tiếp thu ý kiến các đại biểu, tổng hợp, hoàn thiện báo cáo; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Lãnh đạo Sở Tài chính tham gia ý kiến về dự toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước.

Với dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí từ năm học 2023-2024 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, đồng chí Lê Thành Đô nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nghị quyết để đảm bảo tính kịp thời, thống nhất, đúng các văn bản hiện hành có liên quan về học phí và phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình UBND tỉnh để xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi trình HĐND tỉnh xem xét.

Lãnh đạo UBND TP. Điện Biên Phủ đóng góp ý kiến về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Các tờ trình về: Ban hành Nghị quyết quy định mức xây dựng dự toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước; ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong nước đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, các đại biểu nhất trí dự thảo tờ trình. Trong đó, đối với tờ trình quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong nước, đồng chí Lê Thành Đô thống nhất: Đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới 30 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ. Đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ. Đề nghị cơ quan soạn thảo (Sở Khoa học và Công nghệ) hoàn thiện nội dung dự thảo tờ trình để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top