Đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước

15:23 - Thứ Tư, 05/06/2024 Lượt xem: 4123 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (5/6), kỳ họp thứ 7 Quốc hội tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn  đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán về: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn.

Đặt câu hỏi chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nêu: “Đối với những kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước mà địa phương, đơn vị không thể thực hiện được. Ví dụ, có những kết luận kiểm toán kéo dài trên 30 năm không thể thực hiện được do đối tượng triển khai thực hiện chính sách đó đã nghỉ hưu, đã chết hoặc không thể tìm thấy chủ thể vì doanh nghiệp/đơn vị đã phá sản, giải thể, sáp nhập... Tổng Kiểm toán nhà nước có giải pháp gì hoặc có kiến nghị với Quốc hội cho cơ chế riêng để giải quyết triệt để hay không?”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lò Thị Luyến, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, đúng là hiện nay có những kiến nghị kiểm toán không thể thực hiện được, như trường hợp các tổ chức được kiểm toán đã giải thể, phá sản hay là các cá nhân đã về hưu, đã chết, mất tích... Hiện nay, theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước thì Kiểm toán vẫn phải theo dõi. Theo quy định của Luật Quản lý thuế, những trường hợp mà doanh nghiệp phá sản hoặc cá nhân đã chết thì được xoá nợ tiền thuế. Tới đây khi sửa Luật Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán sẽ kiến nghị bổ sung một điều quy định rõ việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong đó có xử lý các trường hợp không còn đối tượng thực hiện như đại biểu nêu.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước.

Tham gia chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh nêu câu hỏi: “Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đề nghị Tổng Kiểm toán cho biết mức độ sai phạm trong quản lý công sản, kể cả đất đai, trụ sở, tài nguyên khoáng sản, nguồn nước như thế nào? Kiểm toán nhà nước có đề xuất, kiến nghị gì về nội dung này với Quốc hội?”.

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước.

Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, kiểm toán nguồn lực đất đai, khoáng sản, nguồn nước... là một lĩnh vực mới của Kiểm toán nhà nước đó là kiểm toán môi trường. Lĩnh vực kiểm toán này mới được triển khai thực hiện. Thông qua sự trợ giúp của cơ quan kiểm toán công chứng Canada, Kiểm toán nhà nước đã tiến hành một số nhiệm vụ liên quan đến kiểm toán môi trường. Đối với việc sử dụng đất đai và khoáng sản thì Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán chuyên đề và đã có báo cáo Quốc hội, trong đó đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế từ việc chấp hành quy hoạch, việc cấp phép, cũng như việc xử lý tài chính...

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top