Quốc hội chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

09:43 - Thứ Sáu, 28/06/2024 Lượt xem: 3076 In bài viết

Sáng nay (28-6), với tỷ lệ đồng thuận rất cao (462/470 đại biểu có mặt tán thành, tỷ lệ 95,06% tổng số đại biểu), Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bảng biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Tiến Thành.

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012). Luật đã bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025; có 7 quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.

Về tổ chức chính quyền ở Hà Nội, Luật đã bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, Luật quy định chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là UBND phường. Như vậy, Luật đã luật hóa quy định không tổ chức HĐND cấp phường được quy định trong Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Thành phố Hà Nội được bầu 125 đại biểu HĐND thành phố, trong đó có ít nhất là 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách (tăng 30 đại biểu so với hiện tại). Thường trực HĐND thành phố Hà Nội hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, gồm Chủ tịch, không quá 3 Phó Chủ tịch (tăng 1 Phó Chủ tịch và 4 thành viên Thường trực HĐND thành phố). Nếu theo quy định tại Luật thì HĐND thành phố sẽ phải thực hiện tăng thêm trên 80 nội dung nhiệm vụ, quyền hạn. Do đó, việc tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách sẽ thêm sức mạnh cho bộ máy hoạt động để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Luật cũng phân quyền trực tiếp với quy định trong thời gian HĐND thành phố không họp, Thường trực HĐND thành phố quyết định một số nội dung và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất. Quy định này sẽ giúp bảo đảm tính cấp thiết, kịp thời trong quá trình quản lý, điều hành ở Thủ đô.

Đối với UBND thành phố Hà Nội, Luật phân cấp cho chính quyền thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

Để bảo đảm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền, tránh lạm dụng, ủy quyền tràn lan, Luật giao HĐND thành phố quy định chi tiết phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Bên cạnh đó, giao UBND thành phố quy định việc điều chỉnh hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền; giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện các nội dung được phân cấp, ủy quyền theo quy định của Luật.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Trọng Quỳnh.

Ưu tiên các nguồn lực phát triển Thủ đô

Luật Thủ đô quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô. Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.

Đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bên cạnh những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định, Luật cũng quy định ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng nhà lưu trú phù hợp với quy hoạch để bố trí cho người lao động làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuê trong thời gian làm việc.

Luật đã cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững; trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định, Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Trong đó, trường hợp ngân sách trung ương tăng thu so với dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách thành phố Hà Nội, ngân sách trung ương trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách thành phố.

Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố.

Thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa, học công nghệ.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Trọng Quỳnh

Đối với biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong một số lĩnh vực. Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với một số công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top