Sinh hoạt tư tưởng

Thêm dấu hiệu của thói “ba phải”

08:17 - Thứ Năm, 11/07/2024 Lượt xem: 4807 In bài viết

ĐBP - Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong đó có một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là nể nang, né tránh, ngại va chạm trong phê bình, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

Chúng ta đã có nhiều cách để nói về những người vì ngại va chạm mà im lặng, sợ bị thiệt thân mà im lặng, như là  “người ba phải”, “gió chiều nào che chiều ấy”; “ngậm miệng ăn tiền”… Nguyên nhân thì đã rõ, và thường “bệnh” này phát sinh trong tập thể, hội nhóm, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị; nơi có những cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, không có tinh thần tập thể, mang nặng bệnh cá nhân chủ nghĩa… Đây là “bệnh” nguy hiểm, thường xuyên được cấp ủy các cấp đấu tranh, đẩy lùi. Song vì thực tế luôn thay đổi, nên nhận diện, đấu tranh đẩy lùi căn bệnh cá nhân chủ nghĩa với rất nhiều biểu hiện, thủ đoạn tinh vi có lẽ là việc phải làm thường xuyên, lâu dài…

Trên mạng xã hội, người mang bệnh “ba phải” “ngậm miệng ăn tiền” đa dạng hơn, và nhiều cán bộ, đảng viên cũng góp mặt. Có người đã “khoác áo” phát huy vai trò trách nhiệm lan tỏa thông tin chính thống đến người dân; nhưng khi có tương tác thiếu căn cứ, nhìn nhận đánh giá thiên lệch, thậm chí có ý đồ bóp méo sự thật, kích động, gây mất đoàn kết dân tộc trên trang cá nhân của mình, nhưng lại phản hồi kiểu “mười rằm cũng ư, mười tư cũng gật”. Người chia sẻ không ra tán đồng, cũng chẳng phản đối; càng không giải thích, cung cấp thêm thông tin để làm rõ hơn.

Kiểu quan điểm “ba phải” này rất nguy hiểm, vì người dân tin vào đạo đức, tư cách của cán bộ, đảng viên mà tin hơn vào những gì họ chia sẻ, họ thể hiện. Khi bản thân cán bộ, đảng viên chia sẻ thông tin; nhưng lại cười cợt, bông đùa, hay ra vẻ làm hòa, lảng tránh với những nhận định sai trái của cộng đồng trên chính trang cá nhân của mình, người dân không biết đâu mới là nhận thức, quan điểm của người chia sẻ. Người dân nên tin theo luồng thông tin nào? Trong nhiều trường hợp, đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho các phần tử tiêu cực, có tư tưởng xấu độc bám vào để bôi nhọ, xuyên tạc, chống phá, gây mất niềm tin trong nhân dân, phá vỡ khối đại đoàn kết các dân tộc…

V. N (Huyện Điện Biên)
Bình luận

Tin khác

Back To Top