Triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng cuối năm

11:53 - Thứ Hai, 15/07/2024 Lượt xem: 3042 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (15/7), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện CCHC 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Trong 6 tháng đầu năm, công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện trên cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Môi trường kinh doanh có nhiều chỉ số thăng hạng (môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh tế thế giới; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu). Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định; kết quả số hóa hồ sơ tại các bộ ngành đạt 31,1%, tại các địa phương đạt 53,2%...

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chính phủ đề ra 7 nhiệm vụ, trong đó tập trung phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về CCHC. Các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh cải cách thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho sản xuất, kinh doanh. Tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, bảo đảm cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thống nhất…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của thành viên Ban Chỉ đạo CCHC thời gian qua đã đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung của cả nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Cải cách TTHC còn nhiều thách thức, thủ tục còn rườm rà; việc thực thi phương án đơn giản hóa TTHC còn chậm. Công tác chỉ đạo, điều hành tại một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt; chưa phát huy được vai trò người đứng đầu; hoạt động CCHC có nơi còn mang tính hình thức, chưa thực sự lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương chưa cao; còn tâm lý sợ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, sức lan tỏa của CCHC với sự phát triển của đất nước. Đẩy mạnh cả 6 nội dung CCHC, trong đó rà soát lại những vướng mắc, điểm nghẽn để có giải pháp tháo gỡ. Đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng. Triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; chuyển đổi số quốc gia theo kế hoạch, lộ trình đã phê duyệt. Hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, địa phương phục vụ phân tích, xử lý dữ liệu; hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực. Tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh tuyên truyền CCHC.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top