Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Biểu tượng cao đẹp về văn hóa chính trị

08:34 - Thứ Năm, 25/07/2024 Lượt xem: 3288 In bài viết

Như lẽ tự nhiên, nhưng là tất yếu của cuộc sống nói chung, của mỗi đời người, theo quy luật vòng đời và thời gian, mọi thứ danh tước khi con người còn sống đều sẽ qua đi, điều còn đọng lại chính là giá trị sống, nhân cách sống được kết tinh thành văn hóa làm người và sống ở đời “có nghĩa có nghì”, có ích cho quê hương, đất nước, góp phần vào sự tiến bộ, văn minh nhân loại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với thầy cô và bạn bè lớp Văn khóa VIII niên khóa 1963 - 1967 (Đại học Tổng hợp Hà Nội) tháng 6-2022. Ảnh: Duy Linh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những con người hiếm có, một trụ cột quốc gia dân tộc giữa thời đại mà chính trị gặp nhiều giông bão, xã hội có nhiều thay đổi, an ninh, quốc phòng, đối ngoại đứng trước nhiều thử thách, đặc biệt là sự chao đảo về giá trị chuẩn mực đạo đức, ảnh hưởng khôn lường tới giá trị cốt lõi của dân tộc, nguy cơ làm chệch hướng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Pho sách cuối cùng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại làm di sản cho hậu thế là: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là tập đại thành thể hiện sự đóng góp lý luận của Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, là cẩm nang cho công tác nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa, con người Việt Nam xứng tầm yêu cầu thời đại. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc đánh giá những giá trị trong pho sách nêu trên thì chỉ mới là tìm kiếm tri thức làm giàu lý luận, còn nếu như cố công tìm hiểu đúng tầm vóc, công lao của Tổng Bí thư thì không có cách nào khác là phải khảo cứu toàn bộ những đóng góp thực tiễn trên cương vị lãnh đạo, kết hợp với tìm hiểu những nét đẹp trong đời tư của Tổng Bí thư.

Điều căn cốt nhất là Tổng Bí thư được sinh ra trong một gia đình, dòng tộc có truyền thống hiếu học, sống thời ấu thơ tại một vùng quê là cái nôi khai mở văn minh sông Hồng, văn hiến Đại Việt, nơi lắng đọng hồn thiêng sông núi ngàn năm. Chế độ dân chủ mới được mang lại từ cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tinh thần yêu nước, yêu chế độ mới của đồng bào ta trong thời kỳ vừa kháng chiến vừa kiến quốc, nhất là trong cuộc trường chinh vệ quốc vĩ đại suốt 30 năm đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc đã hun đúc chí khí tự tôn, tự lực, tự cường dân tộc. Đó là nhân lõi của văn hóa yêu nước, thương nòi, định hình nhân cách lớn, đạo đức cách mạng mãi về sau trong tư duy và sự cống hiến không ngừng nghỉ cho Đảng, Tổ quốc, Nhân dân. Những năm tháng sống, lao động, học tập, nghiên cứu, công tác trong môi trường chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tại Thủ đô Hà Nội, tuy gặp nhiều thiếu thốn vật chất, chỉ mong được có bát cơm đầy, đĩa rau muống chấm tương, còn thì phải trông đợi vào việc mò cua bắt ốc..., là quãng thời gian mà các giá trị sống hướng tới chân - thiện - mỹ được chú trọng giáo dục trong nhà trường, được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục gia đình và xã hội. Những năm tháng miệt mài làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô cũng giúp Tổng Bí thư học hỏi tri thức khoa học, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, có ấn tượng tốt đẹp về chế độ xã hội chủ nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản. Tình bạn chan hòa, hồn nhiên đã giúp cho thế hệ thiếu niên, thanh niên cùng thời của Tổng Bí thư giữ mãi được tâm hồn tuổi thanh xuân, tránh cho người có quyền cao chức trọng với thường dân khỏi khoảng cách, những kỳ thị sang - hèn. Nên mỗi dịp gọi nhau về hội trường, hội lớp, hội khóa là một dịp hồi sinh kỷ niệm thời hoa đỏ, với trang giấy học trò, với ước mơ chắp cánh tương lai.

Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kỷ niệm tuổi học trò được lưu giữ như vốn quý cho hành trang làm người có nhân có đức. Nhân ngày Tết cổ truyền dân tộc, Tổng Bí thư không quên quây quần bên gia đình nhỏ gói bánh chưng xanh dâng lên ban thờ tổ tiên, tự tay viết “thiệp chúc tết” gửi cô giáo cũ trường xưa. Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống của trường phổ thông, Tổng Bí thư chân thành mời và đón đợi mong gặp thầy Hiệu trưởng tuổi thượng thượng thọ từ Quy Nhơn về lại trong khóe mắt nặng ân nghĩa. Trong cuộc tao ngộ ấy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thỉnh nghị các thầy cô và bạn bè đừng gọi chức tước, mà cứ gọi đúng tên người học trò cách mấy mươi năm trước, vẫn xưng hô với các thầy cô một danh từ đúng đạo làm trò là “em”. Những lời nói, cử chỉ khiêm nhường của Tổng Bí thư đối với thầy cô giáo thời phổ thông dạy cho những ai vô tâm với sư phụ phải biết điều chỉnh nhận thức và hành vi, tránh vong bản đạo làm trò, tránh xa vòng xoáy thương mại hóa trong giáo dục.

Trong nhiều cuộc tiếp đón ngoại giao quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sát cánh bên phu nhân giản dị của mình với nụ cười đôn hậu, đó là hình ảnh đẹp, trữ tình trong văn hóa ngoại giao của người đứng đầu Đảng ta. Tổng Bí thư và người bạn đời sớm tối có nhau, không thụ hưởng chế độ phục vụ lãnh tụ. Đó có lẽ là một thứ tình cảm rất tinh tế của Tổng Bí thư, bởi vì khi vợ của ông đi chợ, tự nấu bát cơm, tự luộc đĩa rau, tự chế biến thức ăn cho hợp khẩu vị thường dân “phục vụ” người đứng đầu Đảng cầm quyền thì đó là một triết lý sống theo quan niệm hạnh phúc của người xưa “chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Thứ văn hóa ấy không bị pha tạp, nặng về thụ hưởng vật chất, mà là sự gắn kết trách nhiệm cùng xây tổ ấm gia đình, làm cho gia đình nhỏ của mình là tế bào an lành cho hạnh phúc xã hội. Ở tầm quốc gia, Tổng Bí thư khẳng định hạnh phúc không chỉ có cơm no, áo đẹp, vật chất đủ đầy, mà là sự bảo đảm an sinh xã hội, gắn kết cộng đồng, con người thương yêu đùm bọc trong tình đồng bào như nguồn cội xa xưa.

Trên nền tảng giữ được các giá trị cốt lõi văn hóa truyền thống dân tộc, văn hóa cộng đồng, gia đình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có được tầm vóc văn hóa mang tính phổ quát, đó là văn hóa yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, một đời cống hiến cho Đảng, làm rạng danh cho quê hương, đất nước, giữ tiếng thơm cho gia đình. Bạn bè gần xa, kể cả các quốc gia khác biệt về thể chế chính trị cũng tỏ lòng ngưỡng mộ nhân cách, trí tuệ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng bào ta ở mọi miền đất nước đã hướng về Thủ đô Hà Nội, lắng đọng tâm hồn cảm nhận di sản chung mà Tổng Bí thư để lại cho thời nay và đời sau. Ở tận mũi Cà Mau xa xôi tận cùng Tổ quốc, người dân lập ban thờ, dâng hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ở Cuba, ở Lào - những người anh em thân thiết để Quốc tang tưởng nhớ người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Phú Trọng. Trước anh linh của Tổng Bí thư, người người tưởng nhớ ông với tấm lòng tri ân vị lãnh tụ của Đảng, Đất nước, Nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc chắn là một tượng đài lớn về văn hóa cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, một sự kết tinh văn hóa dân tộc hài hòa với văn hóa nhân loại. Đây là di sản vô giá cần được gìn giữ, kế tục, phát huy trong đời sống đương đại và tương lai, xứng đáng một tấm gương tiêu biểu, sáng ngời theo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Những ngày cuối đời, Tổng Bí thư còn đọc cuốn “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam”, đắm đuối với non nước ngàn năm vững bền, đó là một giá trị văn hóa trải lòng với giang sơn gấm vóc, trước lúc ra đi vẫn còn ước vọng cho Tổ quốc có được dáng rồng bay trên bao la đất trời. Chết chưa phải là hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hóa thân vào sự trường tồn cho dân tộc Việt Nam, khích lệ cảm hứng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đồng bào ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

PGS. TS Trần Viết Lưu 

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top