Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và HĐND (Giải Diên Hồng) năm 2024:

Khắc phục bất cập, nâng cao hiệu quả HĐND cấp xã (bài 2)

06:22 - Thứ Hai, 12/08/2024 Lượt xem: 3326 In bài viết

Bài 2: Hoạt động còn mờ nhạt

ĐBP - Những hạn chế, bất cập đã khiến nhiều HĐND cấp xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa phát huy được hiệu quả. Điều đó thể hiện rõ trong việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương còn mang tính hình thức; hoạt động giám sát mờ nhạt; tiếp xúc cử tri chưa hiệu quả, có nơi không thực hiện được. Cùng với đó là khó khăn về giao thông, kinh tế - xã hội, trình độ dân trí chưa đồng đều  cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã.

Bài 1: Nhìn thẳng, nói thật

Ông Tòng Văn Cường, Trưởng Ban Pháp chế (HĐND xã Mường Báng) trao đổi với đại biểu HĐND xã.

Giám sát lúng túng

Giám sát là một trong những chức năng cơ bản, quan trọng nhất của HĐND cấp xã. Tuy nhiên, trong các hoạt động giám sát của HĐND cấp xã trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế. Hoạt động giám sát của HĐND, thường trực HĐND, các ban, đại biểu HĐND xã còn nặng về hình thức, chưa thực chất, hiệu quả giám sát chưa cao. Hoạt động giám sát có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa bao quát, nhất là các vấn đề cử tri, Nhân dân bức xúc, quan tâm.

Điển hình, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Pháp chế (HĐND xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa) chỉ thực hiện giám sát thường xuyên về việc ban hành các văn bản của HĐND xã, UBND xã, giám sát về khiếu nại, tố cáo. Còn công tác giám sát chuyên đề chưa triển khai thực hiện được.

Theo ông Tòng Văn Cường, Trưởng Ban Pháp chế (HĐND xã Mường Báng), chất lượng đại biểu còn hạn chế nên hoạt động giám sát phần nào bị ảnh hưởng, kết quả chưa cao. Cùng đó, các ủy viên chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, nhiều nhiệm vụ chi phối nên rất khó khăn trong việc sắp xếp thời gian tham gia đầy đủ các hoạt động. Việc tham gia ý kiến đối với công tác giám sát, thẩm tra các nội dung trình kỳ họp HĐND xã còn hạn chế, chưa có phản biện, chủ yếu là đồng thuận.

Theo kế hoạch, hàng năm HĐND cấp xã đều xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát. Nhưng nhiều đại biểu không biết phải giám sát thế nào và giám sát những vấn đề gì. Nhiều khi phải xin ý kiến đảng ủy, chính quyền rồi mới giám sát. Đặc biệt, trong giám sát các vấn đề về thu, chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai… là những lĩnh vực khó, đòi hỏi đại biểu phải có trình độ chuyên môn, kiến thức chuyên sâu thì mới hiểu được. Song hầu hết đại biểu ở các thôn, bản thì kiến thức về các lĩnh vực này rất hạn chế, nhiều đại biểu đi giám sát chỉ để đủ thành viên theo quy định.

Bà Lò Thị Chính (thứ 3 từ trái sang) Phó Chủ tịch HĐND xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông tiếp thu ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri.

Việc lựa chọn nội dung giám sát của HĐND một số xã chưa trọng tâm, trọng điểm, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương và dư luận xã hội quan tâm. Nhiều xã chọn các nội dung giám sát dễ, như tình hình thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo, giám sát về văn hóa, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hòa giải cơ sở…

Bên cạnh đó, phương thức, hình thức giám sát còn nhiều bất cập, giám sát chủ yếu là nghe báo cáo kết quả đã đạt được, thiếu sự giám sát trực tiếp, thiếu tiếp xúc với cử tri tại nơi cư trú, nơi làm việc. Các kết luận sau giám sát thường chung chung; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc kiến nghị sau giám sát không được thực hiện nghiêm túc, không truy vấn đề đã giám sát đến cùng. Vì vậy, hiệu quả giám sát của HĐND cấp xã nhìn chung không cao, nặng về hình thức, thiếu thực chất. Kết quả các cuộc giám sát gần như chưa phát hiện tồn tại, hạn chế của đơn vị được giám sát; nếu có chỉ là những hạn chế nhỏ không đáng kể.

Ông Thào A Vảng, Phó Chủ tịch HĐND xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa cho biết: Hàng năm, HĐND xã xây dựng kế hoạch giám sát, trong đó tập trung vào các vấn đề chi trả dịch vụ môi trường rừng; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; chính sách hỗ trợ học sinh… Tuy nhiên, do nhiều đại biểu hạn chế về năng lực, trình độ trong khi nội dung giám sát đòi hỏi nghiệp vụ chuyên môn sâu, vì vậy nhiều đại biểu lúng túng, ảnh hưởng đến kết quả giám sát.

Quyết định mang tính hình thức

Thực tế thời gian qua cho thấy, chức năng quyết định các vấn đề địa phương của HĐND cấp xã phần lớn là “quyết định theo, quyết định lại” những nội dung, vấn đề đã được thường vụ đảng ủy xem xét, cho ý kiến, thông qua. Hoặc theo văn bản chỉ đạo cụ thể của cấp trên (quyết định hoặc thông báo giao kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể).

Kỳ họp thứ X, HĐND xã Mường Báng khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong một buổi sáng.

Vì vậy, mỗi năm HĐND cấp xã tổ chức hai kỳ họp, thông qua và ban hành một số nghị quyết (hình thức như nhau, nội dung chỉ thay đổi chút ít về đánh giá tình hình và về các số liệu). Một số HĐND cấp xã cũng chưa bảo đảm đúng quy định về nội dung, hình thức, thời gian và cách thức tiến hành kỳ họp. Kỳ họp HĐND ở một số xã bố trí gọn trong một buổi để thông qua những nội dung đã được quyết định trước, nhằm hợp thức hóa các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của cấp ủy đề ra.

Vì vậy, nhiều nghị quyết HĐND sau khi ban hành nhưng không thực hiện được, hoặc có thực hiện nhưng không hiệu quả nên phải bãi bỏ.

Ông Lò Văn Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Yên, huyện Điện Biên chia sẻ: Hàng năm, tại các kỳ họp HĐND xã đều thông qua các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương. Tuy nhiên, trước khi HĐND thông qua, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã xem xét, phân tích, cho chủ trương. Tại kỳ họp các đại biểu hầu hết biểu quyết thông qua các nghị quyết. Thiếu sự phản biện, phân tích đa chiều nên cũng có những nghị quyết do nguyên nhân khách quan, chủ quan mà sau khi thông qua đã chưa phát huy hiệu quả.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Tủa Chùa, Phạm Thanh Phương trao đổi với phóng viên về chất lượng HĐND cấp xã trên địa bàn.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND cấp xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên ban hành hàng nghìn nghị quyết. Số lượng nhiều nhưng chủ yếu là các nghị quyết mang tính thường kỳ về kinh tế - xã hội, quyết toán, dự toán, thu chi ngân sách... Trong khi đó, việc nghiên cứu, ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật mang tính chất đặc thù, quy định về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiềm năng, thế mạnh của địa phương rất ít, thậm chí không có. Như tại kỳ họp thứ X, HĐND xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (tổ chức buổi sáng ngày 26/6/2024), chủ yếu tập trung thực hiện phần nghi thức, thủ tục, đại biểu nhất trí với các tờ trình, dự thảo nghị quyết UBND trình bày, không có ý kiến phản biện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc.

Ông Phạm Thanh Phương, Phó Chủ tịch HĐND huyện Tủa Chùa chia sẻ: Tại nhiều kỳ họp của HĐND cấp huyện trở lên, nhiều nghị quyết do UBND cùng cấp trình nhưng không được thông qua do đại biểu HĐND nhận thấy chưa đảm bảo các yếu tố theo quy định, tính khả thi, hiệu quả của nghị quyết. Nhưng đối với HĐND cấp xã thì các nghị quyết đều được thông qua. Một phần do các nghị quyết liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội thường là theo chỉ tiêu được giao. Cùng đó, nhiều đại biểu không thảo luận, cho ý kiến mà chủ yếu đồng thuận; còn đại biểu là nông dân thì trình độ chuyên môn còn hạn chế, nên không tham gia phát biểu đóng góp ý kiến. Vì vậy, một số nghị quyết nội dung còn chung chung, thiếu tính chặt chẽ, thiếu căn cứ pháp lý; số liệu thống kê không chuẩn xác; các đánh giá thiếu tính thuyết phục.

Hoạt động ban hành nghị quyết của HĐND cấp xã rất quan trọng và cần thiết. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, trên cơ sở điều kiện cụ thể của từng địa phương, đòi hỏi HĐND cấp xã phải nâng cao chất lượng hoạt động ban hành nghị quyết, đảm bảo nghị quyết có tính khả thi, đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng, trực tiếp thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài 3: Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top