Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Giải “bài toán” già hóa cán bộ thôn, bản

15:58 - Thứ Ba, 01/10/2024 Lượt xem: 6065 In bài viết

ĐBP - Qua rà soát, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, tổ dân phố (gọi chung là cán bộ thôn, bản) trên địa bàn tỉnh Điện Biên thường cao tuổi, là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu. Trong khi những người trẻ hầu như rất ít ỏi, nhất là ở khu vực thành phố và các thị trấn. Chính vì vậy, việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ thôn, bản đang rất cần được quan tâm để xây dựng lớp kế cận xứng đáng, vừa mang lại “làn gió mới” góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền ở cơ sở.

Bài 1: Xứng đáng là “cánh tay” nối dài của Đảng, nhà nước

Đội ngũ cán bộ thôn, bản là những người gần dân nhất, trực tiếp truyền đạt, vận động và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân. Với vai trò là người “đầu tàu”, nêu gương trong mỗi việc làm, đội ngũ cán bộ thôn, bản đã quy tụ, tập hợp được sức mạnh của đảng viên, Nhân dân. Họ trở thành hạt nhân đoàn kết thống nhất ý chí và hành động thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở cơ sở.

Khẳng định vai trò hạt nhân

12 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Yên Sơn, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên), bà Trần Thị Suất luôn được đảng viên và người dân ở đây tin tưởng, làm theo những điều mà bà vận động, hướng dẫn. Việc gì khó khăn, bà cũng nêu gương làm trước. Khi địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), bà vận động đảng viên, người dân đóng góp ngày công, tiền của và hiến đất.

Thông qua tuyên truyền, vận động của đội ngũ cán bộ bản Tả Ló San, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé), người dân tích cực tham gia cùng lực lượng biên phòng quản lý đường biên, cột mốc, đảm bảo an ninh biên giới.

Trong 5 năm trở lại đây, bà Suất cùng các tổ chức đoàn thể của thôn đã tuyên truyền, vận động và cùng nhân dân đóng góp hơn 1.000 ngày công, trên 100 triệu đồng, làm gần 1km đường bê tông; sân nhà văn hóa, cổng văn hóa thôn. Qua đó, góp phần đưa xã Thanh Xương đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương nhận xét: Những năm qua bà Suất đã đóng góp công lao không nhỏ cho sự phát triển của địa phương, nhất là trong xây dựng NTM, xóa đói giảm nghèo. Khi dịch Covid-19 xảy ra, bà đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tham gia phòng, chống dịch, góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh. Gần đây nhất, chiến dịch làm căn cước công dân, bà đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện. Không riêng bà Suất, đội ngũ cán bộ thôn, bản trên địa bàn xã đã phát huy được vai trò đầu tàu, gương mẫu trong các lĩnh vực đời sống và được người dân tín nhiệm.

Bản Tả Ló San, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) cách trung tâm huyện khoảng 70km, là điểm cực Bắc của tỉnh Điện Biên, giáp với huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Với vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, vai trò của những người “đầu tàu” ở bản Tả Ló San rất quan trọng trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, nhất là liên quan đến chính sách an sinh xã hội, giữ vững biên giới quốc gia.

Ông Pờ Xuân Mười, Trưởng bản Tả Ló San chia sẻ: Bản thân tôi luôn trăn trở để giáo dục, thuyết phục con cháu, người dân trong bản chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không nghe theo lời kẻ xấu. Thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tôi tuyên truyền, vận động bà con trong bản thành lập tổ tự quản an ninh trật tự khu vực biên giới, hộ gia đình đăng ký “tự quản đường biên, mốc quốc giới”.

Bí thư chi bộ bản Mường Nhé 2, xã Mường Nhé tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật đến người dân.

Ông Mười còn gương mẫu đi đầu, vận động người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ, phát triển rừng; góp phần đưa bản Tả Ló San đổi thay tích cực. Những ngôi nhà vách đất của người Hà Nhì năm nào đã được thay thế bằng nhà gỗ, nhà xây, mái tôn vững chãi; 100% đường nội bản được bê tông hóa; mạng di động (Viettel) đã phủ sóng 4G. Đặc biệt, nhờ bảo vệ rừng tốt, bản Tả Ló San được hưởng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng lớn nhất tỉnh, có hộ nhận được hơn 100 triệu đồng/năm.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.413 bí thư chi bộ và 1.430 trưởng thôn, bản, khối, tổ dân phố. Với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, đội ngũ cán bộ cấp thôn, bản - người “vác tù và hàng tổng” đã trở thành cầu nối đặc biệt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Với họ dù khó khăn, vất vả nhưng vẫn hàng ngày dẫn dắt người dân đồng thuận thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của địa phương, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh.

Già hóa cán bộ thôn, bản

Phần lớn cán bộ thôn, bản trên địa bàn tỉnh là người đã cao tuổi và đang có xu hướng già hóa khi đội ngũ kế cận không mặn mà với công việc chung của thôn, bản. Như trường hợp bà Đoàn Thị Cương, Bí thư Chi bộ tổ 1, thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) năm nay đã 76 tuổi, nhưng hàng ngày vẫn gánh vác nhiệm vụ do chưa có người thay thế.

Bà Đoàn Thị Cương, Bí thư Chi bộ tổ 1, thị trấn Mường Ảng (thứ 2 từ trái sang) phối hợp với lãnh đạo thị trấn Mường Ảng tuyên truyền vận động người dân.

Thị trấn Mường Ảng có 10 bí thư chi bộ và tổ trưởng tổ dân phố, bản. Tuy nhiên, người trẻ nhất ngoài 50 tuổi, còn người cao tuổi nhất đã gần 80.

Ông Vũ Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mường Ảng cho biết: Đảm nhận chức vụ cán bộ ở thôn, bản, họ chỉ được hỗ trợ hàng tháng với mức phụ cấp của cán bộ không chuyên trách rất ít ỏi. Nếu đem ra bàn cân lợi ích kinh tế của những buổi làm công thì mức đó không thấm vào đâu, trong khi công việc lại đầy thử thách với trách nhiệm người đứng đầu. Nếu không có nhiệt huyết, họ sẽ dễ nản chí. Điều duy nhất giúp họ trụ vững có thể nói đó là niềm tin với Đảng, sự tín nhiệm của người dân.

Xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) có 14 thôn, bản thì có đến 80% số cán bộ thôn, bản là những người cao tuổi. Trong đó, độ tuổi từ 50 - 70 tuổi chiếm đa số, dưới 40 tuổi rất ít. Như ông Đào Đức Đông, Bí thư chi bộ thôn Hợp Thành 62 tuổi; ông Trần Văn Ca, Bí thư Chi bộ Thôn 24 đã 72 tuổi; ông Lò Văn Thưởng, trưởng bản Bông năm nay 68 tuổi...

Ông Đào Đức Đông, Bí thư Chi bộ thôn Hợp Thành tâm sự: “Tôi làm bí thư chi bộ từ nhiều năm nay. Mặc dù rất tâm huyết, nhưng do tuổi cao, miệng nói thì được nhưng tay làm yếu, chân đi đã chậm nên rất muốn có người thay thế. Nhưng tìm người trẻ thì rất khó vì chi bộ thôn hiện nay đa phần đảng viên cao tuổi.”

Ông Đào Đức Đông, Bí thư Chi bộ thôn Hợp Thành (thứ 2 từ trái sang) vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Đánh giá về đội ngũ cán bộ thôn, bản trên địa bàn xã, ông Vũ Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt thẳng thắn: Đội ngũ cán bộ thôn, bản trên địa bàn xã đa phần tuổi cao, nhất là bí thư chi bộ. Họ rất nhiệt tình nhưng để hoạt động có bài bản thì khó khăn vì không được đào tạo kiến thức chuyên môn mới, kỹ năng cập nhật xu hướng xã hội, một số người sức khỏe không đảm bảo.

“Tre già” nhưng “măng” chưa mọc đang là trăn trở của không ít cấp ủy, chính quyền địa phương. Theo tìm hiểu tại nhiều địa bàn trong tỉnh, tuổi đời bình quân của đội ngũ cán bộ thôn, bản hiện nay khoảng 50 - 70 tuổi. Như thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo), người trẻ nhất gần 50 tuổi, người cao tuổi nhất ngoài 70 tuổi; thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông) chỉ có 2 người trẻ tuổi nhưng đã gần 40 tuổi, còn lại trung bình từ 55 - 70 tuổi; xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) người cao tuổi chiếm đến 80%... Những con số này cho thấy việc “già hóa” đội ngũ cán bộ cấp thôn, bản đang ở mức phổ biến. Đây là một thách thức trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ cơ sở. Thực trạng này đòi hỏi các địa phương cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục.

Bài 2: Còn đó những trăn trở

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top