Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Đối thoại, tiếp dân - chất keo gắn kết lòng tin của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền (bài cuối)

13:05 - Chủ Nhật, 13/10/2024 Lượt xem: 2368 In bài viết

Bài cuối: Bài học từ việc gần dân, trọng dân

ĐBP - Thực tế cho thấy tại tỉnh Điện Biên, sau 5 năm triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị quy định về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân” đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả; kịp thời xử lý những kiến nghị, phản ánh của công dân ngay tại cơ sở, hạn chế đơn, thư vượt cấp, kéo dài, không để phát sinh điểm nóng về khiếu nại, tố cáo. Từ đó góp phần ổn định chính trị, an ninh trật tự, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài 4: Hình thành thủ phủ “cây tỷ đô” ở Tây Bắc

Bài 3: Ổn định dân cư vùng giáp ranh

Bài 2: “Chìa khóa” gỡ khó giải phóng mặt bằng

Bài 1: Dự án chậm tiến độ và cuộc gặp của Bí thư Tỉnh ủy

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

Những kết quả tích cực

Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, các đồng chí đứng đầu cấp ủy các cấp tỉnh Điện Biên đã nghiêm túc thực hiện công tác tiếp dân, đối thoại và giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân. Cấp ủy các cấp đã chủ động chỉ đạo việc tuyên truyền, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời, người đứng đầu cấp ủy luôn quan tâm sát sao, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và thủ trưởng cơ quan trong công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư, khiếu nại, đảm bảo công việc được thực hiện một cách toàn diện và đúng quy định.

Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hàng năm đối với các nội dung của Quy định số 11-QĐi/TW. Trong 5 năm (2019 - 2024), cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tiến hành 50 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 52 tổ chức đảng về việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác tiếp công dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo của dân. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành 2 cuộc giám sát đối với 2 tổ chức đảng và 2 đảng viên; 4 cuộc kiểm tra đối với 11 tổ chức đảng; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành 11 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 11 tổ chức đảng. Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra cấp huyện tiến hành 33 cuộc (22 cuộc kiểm tra, 13 cuộc giám sát) đối với 35 tổ chức đảng. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, bảo vệ người tố cáo của người đứng đầu cấp ủy và một số đơn vị. Kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy, 100% cấp ủy và cơ quan đơn vị được kiểm tra, giám sát chưa phát hiện trường hợp người đứng đầu cấp ủy vi phạm các nội dung Quy định số 11-QĐi/TW.

Việc định kỳ, đột xuất làm việc với bí thư cấp ủy cấp dưới trực tiếp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cùng cấp có liên quan về công tác tiếp dân, gặp gỡ, đối thoại với dân và xử lý các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của dân là một trong những nội dung quan trọng, then chốt trong thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW. Tại tỉnh Điện Biên, người đứng đầu cấp ủy từ tỉnh đến huyện luôn quan tâm và thực hiện nghiêm túc qua các buổi làm việc trực tiếp tại cơ sở và hội nghị giao ban công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, năm.

Lãnh đạo UBND huyện Mường Nhé đối thoại với người dân bản Nậm Ngà.

Trong 5 năm qua, người đứng đầu cấp ủy các cấp đã tổ chức 225 cuộc làm việc định kỳ, đột xuất liên quan về công tác tiếp dân, trong đó: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tổ chức 33 cuộc và bí thư cấp ủy cấp huyện tổ chức 192 cuộc. Sau các hội nghị, buổi làm việc đều ban hành thông báo kết luận để chỉ đạo cấp ủy, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ, bao gồm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư đảm bảo đúng quy định, hạn chế thấp nhấp đơn thư kéo dài, vượt cấp.

5 năm qua, người đứng đầu cấp ủy các cấp tỉnh Điện Biên đã tổ chức 799 cuộc tiếp dân định kỳ với 846 lượt công dân được tiếp (cấp tỉnh 11 cuộc, 14 lượt công dân; cấp huyện 93 cuộc, 115 công dân; cấp xã 695 cuộc, 717 lượt công dân). Số cuộc tiếp dân đột xuất là 679 cuộc với 771 công dân (cấp tỉnh 1 cuộc, 16 lượt công dân; cấp huyện 59 cuộc, 71 lượt công dân; cấp xã 619 cuộc, 648 lượt công dân). Các nội dung kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, chính sách bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đến nay, tổng số phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đã tiếp nhận, xử lý là 1.875 vụ việc, đã tiến hành xử lý được 1.600 vụ việc, đạt 85,4%.

Có thể nói sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở đối với nhiệm vụ tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý ý kiến, kiến nghị của dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, củng cố niềm tin trong nhân dân. Tỷ lệ đơn thư, khiếu nại vượt cấp giảm qua các năm, không phát sinh điểm “nóng”, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Bài học quyết định

Đồng chí Chu Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết: Để thực hiện hiệu quả Quy định số 11-QĐi/TW, đầu tiên cấp ủy các cấp xây dựng, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; cụ thể hóa các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị phản ánh cần phải đảm bảo đúng quy định của Đảng, Pháp luật của Nhà nước; quy trình, thủ tục ngắn gọn, rõ người, rõ việc. Trong tổ chức thực hiện, người đứng đầu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tham mưu thực hiện tốt công tác phối hợp, nắm tình hình, xác minh vụ việc, tổ chức họp liên ngành (nếu cần thiết) để làm sáng tỏ nội dung phản ánh của công dân trước khi tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy tiếp công dân. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát phù hợp nhằm đôn đốc, chỉ đạo việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư của công dân của các cấp ủy và cơ quan đơn vị. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác tiếp dân, tham mưu xử lý, giải quyết đơn.

Huyện Tuần Giáo tổ chức Ngày hội trồng cây mắc ca trên địa bàn.

Tuần Giáo là địa phương tiên phong của tỉnh trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đến nay, toàn huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương sang trồng cây mắc ca, cà phê và cây ăn quả. Hiện toàn huyện có trên 6.000ha cây mắc ca; 1.292ha cà phê và trên 600ha cây ăn quả. Trong đó, nhiều diện tích cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có được kết quả đó, đòi hỏi người đứng đầu cấp ủy phải có tinh thần quyết tâm, hành động quyết liệt, sẵn sàng chịu trách nhiệm trong từng quyết định, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ông Lê Xuân Cảnh, Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo chia sẻ: Trước hết, người đứng đầu cấp ủy phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu từ chủ trương đến lãnh đạo tổ chức thực hiện. Làm việc theo hướng phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân. Luôn coi trọng công tác nắm bắt tình hình nhân dân, từ đó có giải pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả phù hợp với thực tế. Đặc biệt là, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Khi chủ trương được nhất trí thì chỉ bàn làm, không bàn lùi; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; quan trọng nhất là làm quyết liệt, quyết tâm không để bị “nguội”.

Hoặc, là địa bàn có nhiều dự án cần giải phóng mặt bằng, vướng mắc kéo dài, phức tạp song bằng cách làm khéo léo, sáng tạo, huyện Mường Ảng đã gỡ khó thành công, hoàn thành và phát huy hiệu quả đầu tư các dự án. 

Tuyến đường từ khối 1 thị trấn Mường Ảng đến quốc lộ 279 rộng rãi, khang trang sau khi sửa chữa, nâng cấp.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng cho biết: Đối với huyện Mường Ảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đều phải xác định rõ người dân là trung tâm, là chủ thể trong xây dựng và phát triển. Phục vụ cuộc sống người dân là mục tiêu, là động lực trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Do đó, lãnh đạo huyện, thủ trưởng các phòng, ban, cấp ủy chính quyền các xã phải tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp với cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân; lắng nghe, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.

Trước yêu cầu thực tiễn ngày càng cao, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời khắc phục tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý các phản ánh, kiến nghị của dân”.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top