Cần quan tâm tháo gỡ vướng mắc lĩnh vực giáo dục và đào tạo

15:06 - Thứ Hai, 04/11/2024 Lượt xem: 9248 In bài viết

ĐBP - Hôm nay (4/11), kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đồng thời, đề xuất một số nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được triển khai thực hiện đã gần 4 năm. Tuy nhiên, theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thì việc in, phát hành sách giáo khoa còn nhiều hạn chế. Ngoài việc có dấu hiệu lợi ích nhóm, lãng phí trong việc in, phát hành sách bài tập khi có đến 65% sách giáo khoa có các trang học sinh có thể viết trực tiếp vào, không dùng lại được; việc in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương đề nghị Chính phủ quan tâm.

“Hiện nay, nhiều địa phương chưa in, phát hành được tài liệu giáo dục địa phương, học sinh được gửi bằng bản PDF trên thiết bị hoặc tự in từ bản PDF để học. Nguyên nhân là do vướng mắc về xác định bản quyền, thẩm định giá và đấu thầu in ấn, phát hành. Nội dung này đã được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 chỉ ra, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết” - đại biểu Lò Thị Luyến thông tin.

Đại biểu Lò Thị Luyến đề xuất: Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương cần một quy trình đơn giản cho các địa phương triển khai thực hiện. Nếu cứ áp các quy định của hệ thống luật, nghị định, thông tư nêu trên thì trong nhiều năm tới vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này.

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Chủ trương đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS được Đảng và Chính phủ đề ra nhằm đào tạo nguồn nhân lực với cơ cấu nghề phù hợp nhu cầu sử dụng nhân lực của nền kinh tế. Theo đại biểu Lò Thị Luyến, thực tế việc phân luồng học sinh chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường việc làm chưa được quan tâm đúng mức. Đa số học sinh và phụ huynh lúng túng và thiếu thông tin trong việc lựa chọn ngành nghề; nhiều nơi coi việc phân luồng học sinh là nhiệm vụ của ngành giáo dục, chưa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một số cơ sở giáo dục thực hiện phân luồng cực đoan, cứng nhắc như không phát phiếu cho học sinh để đăng ký thi vào lớp 10, dẫn đến sự đồng thuận không cao của phụ huynh và học sinh...

Một nguyên nhân nữa được đại biểu đề cập đó là trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề cấp huyện, các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề khác tại địa phương không đủ sức hấp dẫn để thu hút học sinh bởi cơ sở vật chất không được đầu tư đồng bộ; đội ngũ giáo viên cơ hữu không đảm bảo... nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, mã ngành nghề đào tạo nhân lực không phù hợp với nhu cầu việc làm mà thị trường cần; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát nhu cầu của thị trường lao động; trình độ sơ cấp và trung cấp nghề không có nhiều cơ hội kiếm được việc làm tốt...

“Tôi cho rằng, nếu việc đào tạo nghề hiệu quả, gắn với giải quyết việc làm thì chắc chắn chủ trương phân luồng học sinh sẽ được xã hội đồng tình, ủng hộ. Hiện nay, đa số học sinh chọn đi học nghề do các em không thi đỗ vào lớp 10; các em ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn thì lựa chọn ở nhà, nhiều em tảo hôn lấy vợ, lấy chồng sinh con; tham gia đường dây vận chuyển ma túy hoặc bị dụ dỗ đi làm thuê “việc nhẹ, lương cao”… dẫn đến rất nhiều hệ lụy xã hội” - đại biểu Lò Thị Luyến nêu ý kiến.

Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm tổng kết đánh giá Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ để đề ra giải pháp tổ chức thực hiện việc phân luồng học sinh hiệu quả hơn. Chính phủ tiếp tục quan tâm xây dựng Đề án kiên cố hóa trường lớp học tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học, đầu tư nhà ở bán trú cho học sinh.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top