ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

11:22 - Thứ Sáu, 22/11/2024 Lượt xem: 1924 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (22/11), kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh cho biết, dự thảo Luật bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào nhóm đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đại biểu, việc Chính phủ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường là nhằm thực hiện một trong những nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về dinh dưỡng được đặt ra trong Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên đại biểu cho rằng, căn cứ nhiệm vụ nêu trong Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia thì đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam không những chưa bao quát đầy đủ nhiệm vụ mà Chiến lược Dinh dưỡng đã đặt ra mà còn có tác động ngược ở hai khía cạnh đó là tác dụng ngược với nhận thức của người tiêu dùng và có thể sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các ngành hàng.

Đại biểu phân tích, thực tế hiện nay nhiều người tiêu dùng chưa nhận thức được rằng hàm lượng đường trong một số đồ uống có đường như nước ép hoa quả, sản phẩm từ ca cao, sữa và thực phẩm dinh dưỡng dạng lỏng còn cao hơn nước giải khát. Sắc thuế sẽ gây hiểu lầm từ phía người tiêu dùng rằng chỉ cần không dùng nước giải khát có đường thì sẽ không bị bệnh thừa cân, béo phì. Người tiêu dùng có thể vẫn chọn lựa các sản phẩm đồ uống có lượng đường cao như nước ép, sản phẩm ca-cao, sữa và thực phẩm dạng lỏng với mục đích dinh dưỡng, như vậy sẽ không thể đạt được mục tiêu sức khỏe là giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Chính phủ tiến hành nghiên cứu tổng thể và đánh giá tác động kỹ lưỡng để xác định đúng, đủ các sản phẩm đồ uống có đường, bao gồm: nước ngọt có ga hoặc không có ga; nước ép và đồ uống từ trái cây/rau củ, chất cô đặc dạng bột và lỏng; nước có pha chế hương liệu; nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn, cà phê pha sẵn, đồ uống sữa có pha chế hương liệu cần phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt để có thể thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ đã được đặt ra trong Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.

Về thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, dự thảo Luật đưa ra hai phương án, theo đó lộ trình tăng thuế 5%/năm từ năm 2026 đến năm 2030, Chính phủ đề xuất đề xuất áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo phương án đó là: đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia tăng từ 80% năm 2026 lên 100% năm 2030; đối với rượu dưới 20 độ tăng từ 50% năm 2026 lên 70% năm 2030.

Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an, ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận.

Với đề xuất này đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, vẫn còn một vấn đề chưa được giải trình thích đáng đó là việc tăng thuế này sẽ có tác động như thế nào đối với vấn nạn rượu giả, rượu lậu đang được tiêu thụ tràn lan tại Việt Nam.

Đại biểu thông tin, tổ chức Y tế Thế giới ước tính đồ uống có cồn phi chính thức chiếm khoảng 25% tổng lượng tiêu thụ rượu toàn cầu, trong khi đó tỷ lệ này ở Việt Nam lên tới 63%. Rượu phi chính thức phần lớn có giá thành thấp, thu hút người tiêu dùng có thu nhập thấp và người nghiện rượu, có mức độ gây hại nghiêm trọng hơn so với rượu được quản lý hợp pháp.

“Tăng thuế có thể là biện pháp hiệu quả tới một mức độ nào đó, tuy nhiên cần tính toán nếu tăng thuế quá cao sẽ vô tình góp phần tạo cơ hội cho sản phẩm nhập lậu, hàng giả gia tăng. Như vậy nếu không cẩn thận người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm lậu có giá rẻ hơn, vô hình chung sẽ làm tăng tỷ lệ sử dụng hàng bất hợp pháp, đặc biệt trong phân khúc rượu vì giá thành cao hơn, mức thuế phải chịu cũng lớn hơn. Đi kèm với đó là áp lực lên các cơ quan quản lý thị trường, áp lực lên ngành y tế để giải quyết những hệ lụy do dùng rượu lậu, rượu tự chế” - đại biểu nêu ý kiến.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ mức tăng thuế được đề xuất đã là mức thuế cân bằng, hiệu quả chưa, liệu có làm trầm trọng hơn vấn nạn rượu giả, rượu lậu tại Việt Nam không?

Về hiệu lực thi hành, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Quốc hội xem xét quy định lộ trình thực hiện Luật phù hợp hơn để các đối tượng bị tác động có thời gian điều chỉnh chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh. Theo đại biểu, kinh nghiệm quốc tế cho thấy khi ban hành thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều quốc gia cũng đưa ra lộ trình thực hiện để doanh nghiệp có đủ thời gian điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với năm kế hoạch tài chính của doanh nghiệp và kỳ tính thuế thu nộp ngân sách Nhà nước.

Tham gia phát biểu ý kiến, Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an, ĐBQH tỉnh cho biết dự thảo Luật quy định kinh doanh đặt cược thể thao là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đại biểu băn khoăn, quy định này có thể sẽ bị lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như hành vi đánh bạc dưới hình thức đặt cược thể thao, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình kiểm soát, đề nghị Ban soạn thảo giải trình, làm rõ thêm nội dung này.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top