Cân nhắc quy định công nghiệp công nghệ số là một ngành kinh tế

11:19 - Thứ Bảy, 23/11/2024 Lượt xem: 1852 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (23/11), kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh đề nghị cân nhắc quy định công nghiệp công nghệ số là một ngành kinh tế, cần xem xét quy định này đã phù hợp với phân chia các ngành kinh tế, khoa học công nghệ theo thông lệ của quốc tế hay chưa.

Theo dự thảo Luật, công nghệ số được hiểu là bao gồm công nghệ thông tin và các công nghệ số thế hệ mới. “Như vậy, có thể hiểu Luật này sẽ điều chỉnh các lĩnh vực thuộc ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao và các ngành khoa học công nghệ có hàm lượng đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng số vốn đã có luật ban hành. Trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, công dân số… không thể gom hết những gì thuộc công nghệ số thành một ngành công nghiệp riêng” - đại biểu Tạ Thị Yên khẳng định. Đại biểu đề nghị cân nhắc làm rõ nội dung này vì hiện nay chưa thấy quốc gia nào trên thế giới quy định ở tầm luật đối với lĩnh vực này.

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thông tin, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho thấy có nhiều ý kiến băn khoăn về sự cần thiết ban hành dự án Luật này vì đã có Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông... Hiện nay Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến Luật Dữ liệu. Công nghệ số có ở khắp các ngành kinh tế - kỹ thuật từ viễn thông, công nghệ thông tin, dữ liệu, điện tử bán dẫn, tự động hóa… Do đó nhiều nội hàm của công nghệ số cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, một số nội dung lần đầu được quy định ở văn bản luật như tài sản số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, các quy định về nguồn nhân lực công nghệ số, khung năng lực công nghệ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát... Cần được nghiên cứu, làm rõ hơn trong quá trình xây dựng Luật để có tính khả thi cao và gắn với thực tiễn của tình hình cụ thể của nước ta. Đại biểu thống nhất với sự cần thiết quy định về tài sản số trong dự thảo Luật, tuy nhiên đây là vấn đề rất mới, rất phức tạp nên cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để xây dựng khung chính sách quản lý tài sản số phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu đánh giá, một số nội dung như nghiên cứu triển kha, hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, chuẩn hóa, dữ liệu số là cốt lõi, nhưng quy định còn khá chung chung, chưa có sự đột phá mạnh mẽ, chưa rõ đối tượng áp dụng nên khó triển khai trong thực tiễn, cần phải được làm rõ, sâu sắc hơn, cụ thể hơn, nhất là những cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi. Những ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư và các cơ chế ưu đãi khác để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số có thể sẽ mâu thuẫn với các Luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… hiện hành nên cần nghiên cứu và có hướng giải quyết.

Trong bài phát biểu của mình, đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ thống nhất với nội dung quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong dự thảo Luật, nhất là trong lĩnh vực công nghệ tài chính theo hướng khuyến khích, tạo động lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. “Trong xu thể phát triển vượt trội, như vũ bão của khoa học, công nghệ, có rất nhiều phát minh tưởng chừng như viễn tưởng lại có thể trở thành hiện thực. Do đó, rất cần những quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để sớm đưa thành quả nghiên cứu vào thực tiễn và để thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh cho sự cần thiết, hiệu quả của những phát minh, sáng chế đó” - đại biểu khẳng định.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top