Xã hộiChuyển đổi số

Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng

07:42 - Thứ Hai, 27/03/2023 Lượt xem: 2798 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện ích nhằm gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng. Quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng giúp người dân, doanh nghiệp tin tưởng lựa chọn hình thức thanh toán hiệu quả, phù hợp; nhờ đó khách hàng ngày càng thực hiện nhiều dịch vụ tiện ích trên nền tảng số.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Điện Biên (VietinBank Điện Biên).

Là một trong những ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số, thời gian qua Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh Điện Biên (VietinBank Điện Biên) đã tích cực phát triển các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện ích. Đặc biệt, triển khai Đề án 06, từ năm 2023 VietinBank Điện Biên tiếp tục là đơn vị tiên phong qua việc mở tài khoản an sinh cho đối tượng người có công và người hưởng trợ cấp xã hội trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác chi trả an sinh và trợ cấp xã hội qua tài khoản. Đồng thời, triển khai các chương trình phủ rộng giải pháp thanh toán bằng QR Pay; lắp đặt QR Pay cho toàn bộ khách hàng vay sản xuất kinh doanh và phát triển QR Pay tại các chợ theo mô hình chợ 4.0; trên các trục đường thương mại, nhà hàng, cửa hiệu, siêu thị, khu mua sắm. Ngoài ra, cung cấp giải pháp ngân hàng điện tử, tiện ích thấu chi online, thẻ tín dụng online cho khách hàng là cán bộ nhân viên được trả lương qua tài khoản VietinBank. Kết quả đến nay, VietinBank Điện Biên có 38.390 tài khoản mở qua Đề án 06. Riêng số lượng tài khoản mở an sinh xã hội khu vực TP. Điện Biên Phủ và TX. Mường Lay từ đầu tháng 3/2023 đạt 1.500 tài khoản, nâng tổng số tài khoản thanh toán cá nhân lên 72.000 tài khoản. Hơn 31.500 khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử (VietinBank Ipay), tăng 13.887 khách hàng so với năm 2021, chiếm 45% số lượng khách hàng cá nhân; 341 khách hàng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử (Efast), tăng 91 khách hàng so với năm 2021, chiếm 53% số lượng khách hàng doanh nghiệp; 3.440.634 giao dịch kênh số, chiếm 96% tổng số lượng giao dịch; 356 khách hàng cho vay thấu chi online; 1.800 QR Pay đã cấp cho khách hàng.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Điện Biên (BIDV Điện Biên) thời gian qua cũng tích cực nâng cấp chương trình Smartbanking nhằm gia tăng tiện ích, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ cung cấp tới khách hàng như: Rút gốc trước hạn từng phần, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn online, thêm tính năng mở tài khoản chọn tên như ý, quản lý danh sách tài khoản chọn tên như ý, chỉnh sửa giao diện, vay thấu chi, vay cầm cố sổ tiết kiệm...

Ông Đoàn Đại Dương, Giám đốc BIDV Điện Biên cho biết: Nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý và người lao động về phát triển ngân hàng số là xu hướng tất yếu và yêu cầu bắt buộc, BIDV Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Đơn vị chuyển dịch hoàn toàn các giao dịch đơn giản từ kênh quầy sang kênh số, từ đó tăng năng suất lao động, gia tăng nguồn thu dịch vụ và tối ưu hóa hoạt động kênh phân phối. Hiện nay, đơn vị triển khai các dự án nền tảng công nghệ thông tin cho ngân hàng số như: Dự án Corebanking mới, CRM, LOS, ECM... Để triển khai hiệu quả, BIDV Điện Biên tập trung nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số trên các mặt hoạt động như: Xây dựng và phát triển đồng bộ các kênh ngân hàng hiện đại như Internetbanking, Mobile banking, SMS banking, Facebook, Youtube. Đồng thời, xây dựng các kênh tự phục vụ (E-Zone) tại phòng giao dịch. Nhờ đó, việc triển khai ngân hàng số tại BIDV Điện Biên đạt kết quả tích cực như: Chuyển dịch mạnh mẽ giao dịch sang kênh số; phát triển các sản phẩm dịch vụ số sáng tạo (thanh toán mã QR, siêu thị online trên ứng dụng mobile banking), rút tiền ATM bằng điện thoại di động qua mã QR. Đặc biệt là đẩy mạnh triển khai dịch vụ thu hộ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục, viện phí, tiền nước, cước viễn thông.

Thực tế, thói quen tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là sử dụng tiền mặt trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ nên việc chuyển đổi số chưa thể đạt kết quả nhanh trong một khoảng thời gian ngắn. Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thời  gian tới các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần khắc phục những hạn chế về: Hạ tầng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn thiếu đồng bộ gây khó khăn trong việc liên thông, kết nối, khai thác hiệu quả dữ liệu; thiếu hụt các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top