Biến lợi thế trở thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn

14:39 - Thứ Năm, 17/11/2022 Lượt xem: 7879 In bài viết

Nằm dưới chân núi Ba Vì khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, từ lâu, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì đã trở thành điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn du khách. Cũng nhờ du lịch phát triển, người dân địa phương đã có thêm việc làm và thị trường tiêu thụ nông sản. Tuy vậy, thực tế cho thấy có những điều cần được căn chỉnh để du lịch nông thôn phát triển bền vững.

Một tuyến đường sạch - đẹp ở thôn Muồng Voi, xã Vân Hòa.

Đa lợi ích từ du lịch

Du lịch nghỉ dưỡng phát triển mạnh ở xã Vân Hòa. Theo thống kê, trên địa bàn xã hiện có hơn 40 hộ gia đình, doanh nghiệp đang xây dựng và hoạt động du lịch, trong đó chủ yếu là các cơ sở lưu trú có điều kiện, trải rộng ở các thôn Muồng Cháu, Muồng Voi, Muồng Phú Vàng, Nghe, Xoan, Rùa, Bặn, Đồng Chay, Bơn, Đa Cuống...

Hướng ra đầm sen rộng mênh mông, khu du lịch Sen villas (thôn Đồng Chay) với những tòa nhà xinh xắn bao quanh là thảm cỏ, hoa và cây xanh, chị Phí Thị Thu Hằng, chủ khu du lịch Sen villas cho biết: “Gia đình tôi là người gốc ở Đồng Chay. Từ lợi thế đất đai rộng, lại nhìn ra cánh đồng đẹp nên năm 2018, gia đình đã xây dựng các căn hộ kết hợp với bể bơi, hồ sen, bãi cỏ... để đón khách du lịch. Không chỉ nghỉ dưỡng, khách được tham gia vào các trò chơi tập thể ngoài trời, thưởng thức ẩm thực là các món ăn dân tộc và văn hóa cồng chiêng của người Mường... Vào những ngày cuối tuần, khu du lịch của chúng tôi thường xuyên kín phòng. Hiện gia đình đang tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương và nhiều lao động thời vụ”.

Bà Đỗ Thị Thanh Sơn, thôn Đồng Chay, năm nay tròn 60 tuổi nhưng vẫn tìm được việc làm ổn định tại một điểm du lịch trên địa bàn. Bà Sơn cho biết, đã làm việc tại Sen villas thôn Đồng Chay được 4 năm. Công việc chính của bà là làm cỏ, quét dọn sân vườn, tương đối vừa sức. “Điểm du lịch ngay trong thôn nên sáng tôi đi làm, trưa về nhà ăn cơm, chiều ra làm tiếp. Mỗi tháng tôi được trả lương 4 triệu đồng. Ở nông thôn, gia đình vẫn trồng rau, nuôi gà nên kinh tế ổn định” - bà Sơn nói.

Còn với anh Phan Ngọc Tú, thôn Xuân Hòa, xã Vân Hòa, những năm gần đây, khách tới tham quan du lịch Ba Vì đông nên cửa hàng bán thịt và giò đà điểu của gia đình tiêu thụ tốt hơn. Hiện mỗi ngày, gia đình bán khoảng 200kg thịt và giò đà điểu. Sản phẩm đã được chứng nhận OCOP của thành phố, được khách hàng đánh giá cao.

Chị Bùi Thảo, công chức văn hóa - xã hội xã Vân Hòa cho biết: Vân Hòa là một trong bảy xã dân tộc miền núi của huyện Ba Vì có đồng bào Mường sinh sống tập trung, hiện vẫn bảo lưu được nhiều nét văn hóa đặc trưng như cồng chiêng, múa hát, ẩm thực... Từ lợi thế này, các điểm du lịch trên địa bàn đã liên kết với các Chi hội phụ nữ của các thôn để tổ chức cho du khách giao lưu văn hóa dân tộc Mường. “Mỗi show biểu diễn cồng chiêng, múa sạp từ 1,5h đến 2h sẽ được trả từ 2 - 3 triệu đồng. Hoạt động này được duy trì từ lâu rồi” - chị Thảo cho biết.

Lý giải về sự bứt phá trong phát triển du lịch ở địa phương, bà Đinh Thị Bích Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Vân Hòa cho rằng, bên cạnh lợi thế được thiên nhiên ban tặng cảnh quan tươi đẹp, không khí trong lành thì cơ sở hạ tầng tốt cũng đã góp phần đẩy mạnh hoạt động du lịch. Cụ thể, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng ở xã Vân Hòa đã được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại. Đặc biệt, đường giao thông ở xã Vân Hòa liên tục được đầu tư, cải tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của người dân và phát triển du lịch. Cũng từ xây dựng nông thôn mới, các thôn trên địa bàn xã đều xây dựng được nhà văn hóa khang trang. Đây không chỉ là nơi hội họp, mà còn là nơi người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Xã Vân Hòa có 14 thôn thì 11 thôn có đồng bào dân tộc Mường sinh sống tập trung. Ở các thôn này đều có đội cồng chiêng, múa sạp rất đặc sắc. Trên thực tế, đã có rất nhiều điểm du lịch trên địa bàn mời đội văn nghệ, đội cồng chiêng của các thôn tới biểu diễn cho khách du lịch trải nghiệm. Mỗi buổi biểu diễn, ngoài khoản thù lao đáng kể thì chị em còn có “đất diễn” để văn hóa cồng chiêng của người Mường được lan tỏa và bảo tồn trong đời sống.

Nhờ du lịch phát triển, bà Đỗ Thị Thanh Sơn, thôn Đồng Chay (bên trái) đã tìm được việc làm ổn định.

Để những mảnh ghép hợp thành bức tranh đẹp

Mang đến những đổi thay cho khu vực xã dân tộc miền núi như Vân Hòa nhưng hoạt động du lịch phát triển “nóng” và chưa được quản lý chặt chẽ cũng gây ra những bất cập. Bí thư Đảng ủy xã Vân Hòa Đinh Thị Bích Thảo cho rằng: Xã có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng nhưng hiện nay vẫn thiếu những mô hình homestay để khách du lịch có thể nghỉ lại tại nhà người dân bản địa, được trải nghiệm, khám phá đời sống văn hóa, phong tục, tập quán của từng vùng đất. Hiện các mô hình du lịch do người dân Vân Hòa tổ chức chưa có nhiều, chủ yếu là người ở các quận nội thành về xây dựng khu nghỉ dưỡng, thuê lao động địa phương quản lý và làm việc. Ở một số điểm du lịch còn tình trạng mở loa thùng hát hò ầm ĩ, ảnh hưởng đến đời sống người dân quanh đó... Cũng do phát triển “nóng” nên có tình trạng vi phạm đất đai như xây dựng trên đất nông nghiệp, thậm chí sử dụng trái phép...

Khắc phục những hạn chế trên để du lịch Vân Hòa phát triển bài bản hơn, xã Vân Hòa đã và đang tăng cường quản lý cũng như có định hướng rõ nét hơn trong phát triển du lịch. Mới đây, xã đã tổ chức các đoàn kiểm tra, yêu cầu các hộ kinh doanh lưu trú du lịch phải tuân thủ quy định, phải có giấy phép kinh doanh thì mới được tổ chức đón khách. Đối với vấn đề quản lý đất đai, xã giao cán bộ địa chính rà soát, thiết lập hồ sơ từng trường hợp sử dụng đất chưa đúng để xử lý.

Đã có rất nhiều mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phát huy hiệu quả nhưng đó vẫn là những mảnh ghép rời rạc của mỗi hộ, mỗi doanh nghiệp, rất cần có sự kết nối để ghép thành bức tranh du lịch đẹp của cả xã. Mới đây, xã Vân Hòa đã tổ chức hội nghị, mời tất cả các hộ, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tham gia nhóm để tăng cường kết nối, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đây cũng là kênh để xã Vân Hòa tuyên truyền về chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước và địa phương liên quan đến hoạt động du lịch, nắm bắt thuận lợi, khó khăn để tháo gỡ.

Bà Đinh Thị Bích Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Vân Hòa cho biết, người dân Vân Hòa có truyền thống chăn nuôi bò sữa và đà điểu. Những sản vật đó từ lâu đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Tới đây, xã sẽ giao cho Hội Nông dân kết nối với các điểm du lịch để vận động các điểm sử dụng nông sản của bà con trong hoạt động ăn uống phục vụ du khách, giới thiệu cho du khách mua các sản phẩm đặc sản của người dân bản địa như sữa bò, thịt và trứng đà điểu, thịt gà, lợn, rau, lạc...

Xã Vân Hòa đang tập trung cao độ vào công tác vệ sinh môi trường nông thôn. Các thôn trên địa bàn huyện đều sôi nổi tham gia cuộc thi giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn do huyện tổ chức. Môi trường sạch - đẹp cũng chính là một trong những tiền đề để xã Vân Hòa hấp dẫn hơn đối với khách du lịch.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top