Sự kiện và bình luận
ĐBP - Với sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, địa danh Điện Biên đã tạo sức hút với du khách và nhân dân mọi miền Tổ quốc. Cả nước hướng về Điện Biên, mong muốn đặt chân đến Điện Biên nơi đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 70 năm trước. Thế nên từ đầu năm 2024 đến nay, Điện Biên đã đón trên 1,2 triệu lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Lượng khách du lịch đến Điện Biên những tháng đầu năm 2024 đã vượt mốc lịch sử của cả năm 2023 khi lần đầu tiên đạt 1 triệu lượt du khách. Du khách tăng, doanh thu từ hoạt động du lịch cũng tăng lên với khoảng 2.000 tỷ đồng. Riêng đợt cao điểm từ 30/4 - 7/5, tỉnh Điện Biên đón trên 371.000 lượt du khách, doanh thu đạt 390 tỷ đồng. Đó là những con số ấn tượng của du lịch Điện Biên.
Du lịch lịch sử đang được xác định là thế mạnh của du lịch Điện Biên. Các sản phẩm du lịch Điện Biên chủ yếu gắn với yếu tố lịch sử và tâm linh, đặc biệt là khai thác quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ - một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng được xếp hạng đầu tiên trong cả nước. Hầu hết du khách quốc tế và nhân dân cả nước biết đến Điện Biên bởi Chiến thắng Điện Biên Phủ. Thu hút và giữ chân du khách đến với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ, những năm qua, tỉnh đã khoanh vùng, cắm mốc, trùng tu, tôn tạo, phục hồi và đưa vào sử dụng, phát huy giá trị 45 điểm di tích thành phần, như: đồi A1, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, tượng đài công viên chiến thắng Mường Phăng, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng, hầm Đờ-cát… Và chủ đề của Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024 được xác định “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận” cũng từ thế mạnh du lịch lịch sử.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là nơi du khách không thể không tới khi đến Điện Biên để trải nghiệm những thời khắc lịch sử. Đến với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mỗi người sẽ cảm nhận đầy đủ hơn về chiến dịch Điện Biên Phủ với 4.000 hiện vật là các phương tiện kỹ thuật, vũ khí chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt Nam và phía Pháp được trưng bày, lưu giữ. Nổi bật là bức tranh panorama tái hiện toàn bộ chiến dịch 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm” để tạo nên chiến thắng “chấn động địa cầu” năm xưa. Bức tranh panorama được giới hội họa đánh giá là một trong 10 bức tranh lớn nhất thế giới sáng tác về đề tài chiến tranh, thu hút rất đông du khách tìm hiểu, tham quan. Thống kê của Bảo tàng cho thấy, trong 6 ngày, từ 2/5 - 7/5, có 85.000 lượt du khách đến tham quan trong đó khách quốc tế gần 400 lượt người. Nếu tính từ đầu năm 2024 đến ngày 7/5 Bảo tàng đón khoảng 320.000 người tham quan, tăng gấp đôi cả năm 2023.
Điểm nhấn trong Năm Du lịch quốc gia và Lễ hội Hoa Ban năm 2024 là việc tổ chức không gian văn hóa vùng cao tái hiện sắc màu văn hóa, hoạt động sinh hoạt cộng đồng các dân tộc. Nổi bật trong sản phẩm du lịch văn hóa Điện Biên là show diễn thực cảnh “Huyền tích U Va” theo hình thức sân khấu hóa tái hiện gần như trọn vẹn những huyền tích, lịch sử và các vũ điệu dân gian đặc sắc, văn hóa dân tộc Thái, tạo ấn tượng với người xem.
Sức hút của Điện Biên có lẽ không chỉ là quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ mà còn là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe với hệ thống suối khoáng nóng, các homestay được đầu tư hay du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và trải nghiệm bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 19 dân tộc… Thế nhưng sự phát triển “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Do đó cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội, người dân về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030 để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch.
Mỗi địa phương, mỗi điểm đến đều chứa đựng câu chuyện gắn liền những giá trị lịch sử, văn hóa khác biệt, đặc sắc. Từ việc tổ chức thành công kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và các hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia, Điện Biên cần khai thác, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng, hướng tới sự liên kết, kết nối với khu vực và cả nước bạn Lào. Du lịch Điện Biên cần xây dựng đa dạng sản phẩm mang tính đặc trưng; gắn phát triển du lịch với văn hóa, di tích lịch sử; phát triển dịch vụ du lịch… để tạo sự cạnh tranh, ấn tượng, thu hút du khách tìm hiểu, trải nghiệm khám phá Điện Biên.
Khai thác tiềm năng du lịch, Điện Biên cần tăng cường tổ chức hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng, các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ hội đầu tư kinh doanh tới người dân, doanh nghiệp các địa phương trong và ngoài nước. Ngày hội du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa và Luông Pha Băng (nước CHDCND Lào) được tỉnh tổ chức thời gian qua đã mở ra những cơ hội hợp tác, liên kết khai thác tiềm năng, sản phẩm du lịch. Ngay tại Điện Biên đã diễn ra hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch, hợp tác với tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, ký kết hợp tác phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm giữa các địa phương. Vấn đề hiện nay là chuyển hóa từ nội dung, chương trình hợp tác thành sản phẩm du lịch kết nối giữa các địa phương để khai thác tiềm năng, đặc trưng của mỗi vùng đất.
Thu hút du khách đến Điện Biên cần quan tâm đào tạo, hoàn thiện kỹ năng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các điểm di tích, những người làm công tác du lịch. Cùng với tổ chức các lớp bồi dưỡng, cung cấp thông tin cần tăng cường kỹ năng thuyết trình, giới thiệu quảng bá gắn du lịch lịch sử với các lễ hội và hình thức du lịch khác. Đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên sẽ là nhịp cầu kết nối, tạo ấn tượng để du khách quay trở lại Điện Biên, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc ở Điện Biên.
Phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa cộng đồng các dân tộc.