Khai thác di sản văn hóa phát triển du lịch

07:44 - Thứ Năm, 24/11/2022 Lượt xem: 10064 In bài viết

ĐBP - Đến với Điện Biên, du khách không chỉ tìm hiểu về lịch sử địa phương thông qua các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh... mà còn có nhu cầu trải nghiệm, tham quan, tìm hiểu về di sản văn hóa của 19 dân tộc đang cư trú và sinh sống tại tỉnh. Chính vì vậy, trong những năm qua, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển lĩnh vực du lịch nói riêng đã và đang được các cấp, ngành chú trọng triển khai.

Múa xòe dân tộc Thái trong Ngày hội văn hóa Việt - Lào. Ảnh: Trần Dũng

Thời gian qua công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được các cấp, ngành quan tâm triển khai. Đến nay, toàn tỉnh có 29 di tích được xếp hạng. Năm 2021, nghệ thuật xòe Thái được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 14 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia qua đó góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch. Bên cạnh những sản phẩm du lịch chính đã từng bước khai thác, phục dựng một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của một số dân tộc như: Lễ cầu mưa, lễ tra hạt (dân tộc Khơ Mú), tết té nước (dân tộc Lào), xên bản (dân tộc Thái), tết hoa (dân tộc Cống)... Cùng với đó là việc gìn giữ phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, nhảy sạp, múa xòe cổ và các môn thể thao dân tộc (kéo co, tù lu, ném còn, tó má lẹ...) góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch.

Đến Điện Biên, không thể không nhắc tới các bản văn hóa du lịch cộng đồng. Các bản: Mển, Ten, Che Căn, Phiêng Lơi, Him Lam, Nà Tấu... là những bản văn hóa du lịch đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Điện Biên, được du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Nơi đây không chỉ là không gian sống, thể hiện đậm nét phong tục tập quán, vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng dân cư mà còn là một kho tàng văn hóa phi vật thể độc đáo với nhiều giá trị nguyên bản được giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ. Những người dân nơi đây luôn trân trọng và tích cực khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc mình, đặc biệt đối với những di sản gắn với hoạt động du lịch như ẩm thực, trình diễn nghệ thuật, trang phục, kiến trúc, nghề truyền thống, lễ hội...

Bản Che Căn, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ có hơn 100 hộ dân tộc Thái sinh sống đang lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa Thái truyền thống độc đáo. Tới đây, du khách có dịp khám phá, tìm hiểu kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái đen, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, chế tác nhạc cụ...

Huyện Tủa Chùa hiện đang là địa phương tập trung làm đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của địa phương. Ngoài phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh, tiềm năng về khí hậu, cảnh sắc thiên nhiên, hang động, tham quan, ngắm cảnh… huyện Tủa Chùa tập trung vào trải nghiệm bản sắc văn hóa, thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc: Thái, Xạ Phang, Mông. Chợ đêm thị trấn Tủa Chùa vào mỗi dịp cuối tuần ban đầu chỉ mang tính tự phát, đến nay, chợ đêm đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao Tủa Chùa. Đến với chợ đêm, du khách được hòa mình vào không gian văn hoá vùng cao đặc trưng với các hoạt động mua bán, ẩm thực, văn nghệ đặc sắc... Điểm khác biệt của phiên chợ đêm này đó là không chỉ chú trọng tới hoạt động giao thương, mua bán, mà còn đẩy mạnh nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc vùng cao. Thông qua không gian ẩm thực đặc sắc, du khách có cơ hội được trải nghiệm, thưởng thức những món ăn dân dã mà hấp dẫn của địa phương... Cùng với đó, huyện Tủa Chùa còn xây dựng sản phẩm du lịch tìm hiểu, trải nghiệm các quy trình hái, chế biến và thưởng thức chè Tuyết shan - quần thể 100 cây tại thôn Sín Chải và Hấu Chua, xã Sín Chải vừa được chính thức công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Nằm nép mình bên sông Đà, “thị xã hẹp trong tầm tiếng gọi” Mường Lay có đến 2 di sản cấp quốc gia: Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Nghệ thuật xòe Thái và Lễ hội Kin pang then của người Thái trắng. Để phát triển du lịch, TX. Mường Lay khai thác các lợi thế, tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng. Một số lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc như Lễ hội Kin pang then, Lễ hội đua thuyền đuôi én... được khôi phục, trung bình mỗi năm thu hút hơn 10 nghìn người đến tham quan. Đến với TX. Mường Lay du khách còn được tham gia các hoạt động cộng đồng, làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp thưởng thức ẩm thực, giao lưu văn nghệ, lưu trú tại các hộ gia đình có đủ điều kiện phục vụ khách du lịch tại các bản như: Nậm Cản, Na Nát, Chi Luông...

Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 7/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe”. Trong thế chân kiềng đó, các di sản văn hóa của 19 dân tộc sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng phát triển du lịch, đưa ngành công nghiệp không khói sớm trở thành mũi nhọn của tỉnh.

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top