Tham gia ý kiến hoàn thiện Đề án phát triển du lịch Điện Biên

19:59 - Thứ Sáu, 30/12/2022 Lượt xem: 9408 In bài viết

ĐBP - Ngày 30/12, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp tham gia ý kiến hoàn thiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Dự cuộc họp còn có đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu nghe đơn vị tư vấn trình bày dự thảo Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xây dựng bám sát 3 trụ cột chính của du lịch tỉnh nhà là: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, đặt ra mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn.

Cụ thể, đến năm 2025 lượng khách du lịch đến Điện Biên đạt trên 1,45 triệu lượt, trong đó 300 nghìn lượt khách quốc tế. Tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân 15%/năm. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2025 đạt trên 2.380 tỷ đồng, tăng bình quân 15%/năm, đóng góp khoảng 10% GRDP bình quân của tỉnh. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 3,0 ngày...

Định hướng tới năm 2030, lượng khách du lịch đạt trên 2,65 triệu lượt khách, trong đó 600 nghìn lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân đạt 15%/năm; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2030 đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng bình quân trên 14%/năm; số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 3,5 ngày. Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP bình quân của tỉnh…

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Đề án cũng xây dựng 12 định hướng phát triển du lịch. Trong đó, không gian du lịch tỉnh được phân vùng thành 3 khu vực tiêu biểu, gồm: Khu vực I với TP. Điện Biên Phủ và 4 huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng và Tuần Giáo; Khu vực II với 3 huyện: Nậm Pồ, Mường Chà và Mường Nhé; khu vực III với huyện Tủa Chùa, TX. Mường Lay và bao gồm xã Sá Tổng (huyện Mường Chà). Trên cơ sở thế mạnh của từng khu vực, Đề án xây dựng loại hình du lịch, sản phẩm du lịch phù hợp… Đề án xây dựng 13 nhóm giải pháp để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là đầu tàu để tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho toàn tỉnh.

Sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày dự thảo Đề án, các đại biểu tập trung thảo luận đóng góp ý kiến vào định hướng phát triển du lịch, như: Bổ sung các điểm dừng chân; bổ sung các sản phẩm du lịch văn hóa, sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch, sản phẩm du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng; các điểm, tuyến du lịch; xây dựng các khu du lịch cấp tỉnh… Các đại biểu cũng bàn thảo về các giải pháp, trong đó tập trung vào giải pháp nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, giải pháp khắc phục khó khăn về giao thông; giải pháp về bố trí lồng ghép, huy động, thu hút, kêu gọi các nguồn lực để phát triển du lịch…

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Thành Đô đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện xây dựng Đề án chi tiết, bám sát vào đề cương nhiệm vụ, sát với Nghị quyết 03-NQ/TU và sát với tình hình thực tiễn. Trên cơ sở các ý kiến của đại biểu đóng góp tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị tư vấn tiếp thu để chỉnh sửa bổ sung. Trong đó, tập trung vào định hướng phát triển không gian du lịch, bổ sung các điểm dừng chân hợp lý; cân nhắc việc đưa Tủa Chùa trở thành khu du lịch quốc gia; các nội dung liên quan đến loại hình du lịch, sản phẩm du lịch; bổ sung một số sản phẩm du lịch nông nghiệp; tính toán nguồn vốn cho Đề án; rà soát, bổ sung thêm danh mục dự án ưu tiên đầu tư. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị hoàn thiện Đề án ngay trong tháng 1/2023 để trình phê duyệt.

Tin, ảnh: An Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top