Trước những biến đổi địa chất, tác động của sóng gió, nước biển….đe dọa đến sự an nguy của hòn Trống Mái trên Vịnh Hạ Long, Phó Giám đốc phụ trách sở Du lich Quảng Ninh Nguyễn Huyền Anh cho biết, hiện tỉnh đã có những chỉ đạo cụ thể cũng như đề án khoa học để căn cứ vào khoa học có phương án bảo vệ hòn Trống Mái tốt nhất.
Theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, quần thể vịnh Hạ Long có tổng diện tích khoảng 1.553km2, bao gồm 1.969 đảo đá có có giá trị đặc biệt về địa chất - địa mạo, cảnh quan, được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Tuy nhiên, các quá trình địa chất - địa động lực tác động đến một số khu vực, tạo ra nhiều nguy cơ làm thay đổi kết cấu truyền thống của quần thể này, mà một trong những địa danh nổi tiếng tiềm ẩn nguy cơ cao nhất là hòn Trống Mái. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã có phương án chủ động, nhằm ngăn ngừa nguy cơ này.
Theo ông Vũ Kiên Cường – Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long, Hòn Trống Mái còn có tên gọi khác là hòn Gà Chọi, gồm 2 đảo đá nhỏ có hình thù như một đôi gà trống, mái cao khoảng 13,9m, nằm cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy (TP Hạ Long) khoảng 5km về phía Tây Nam.
Đây là một trong những cụm đảo nổi tiếng nhất của vịnh Hạ Long, xuất hiện với vị thế là biểu tượng của tỉnh Quảng Ninh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chỉ dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.
Tuy nhiên, vì nằm ở vị trí có phần độc lập, dưới sự tác động của sóng gió, nước biển, khí hậu tự nhiên và cả nhân tạo, hòn Trống Mái trải qua quá trình hoạt động địa chất có cấu tạo đơn nghiêng với nhiều hệ thống khe nứt.
Cụ thể hiện có 40 khối đá nguy cơ trượt lở, đổ lở cao (11 khối trên hòn Trống và 29 khối trên hòn Mái) nếu không sớm được bảo vệ sẽ bị hủy hoại.
Hàng năm, các tài nguyên địa chất - địa mạo trên vịnh Hạ Long nói chung, các đảo đá trên vịnh nói riêng luôn được Ban Quản lý vịnh Hạ Long quản lý, bảo tồn theo các quy định của Luật pháp Việt Nam và Công ước bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới. Ban Quản lý đã chủ trì và phối hợp với các Viện nghiên cứu thực hiện các nhiệm vụ KHCN để đánh giá hiện trạng sạt lở đảo đá, hang động trên vịnh Hạ Long, từ đó đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên vịnh. Đồng thời, Ban Quản lý cũng thực hiện các hoạt động giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn Di sản, ngăn chặn hành vi xâm hại giá trị các đảo đá và hang động trên vịnh Hạ Long, tuyên truyền tới cộng đồng và khách du lịch về giá trị địa chất - địa mạo vịnh Hạ Long.
Cụ thể đối với hòn Trống Mái, để giảm thiểu các tác động trực tiếp và giữ ổn định cho biểu tượng du lịch Hạ Long, ngày 24/3/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Quyết định số 730/QĐ-UBND về thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long”.
Sau thời gian nỗ lực, đề án khoa học trên cơ bản hoàn thành đầy đủ các nội dung, sản phẩm theo đúng quyết định phê duyệt.Đề án cũng đã đề xuất các giải pháp, bảo tồn hòn Trống Mái.
Giải pháp quan trọng nhất được các chuyên gia đề xuất nhằm giảm thiểu nguy cơ trượt lở, đổ lở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định hòn Trống Mái.
Cụ thể giải pháp cấp bách là dùng neo bảo vệ các khối trượt, bơm trám xi măng các khe nứt, xây tường bê tông chịu lực hỗ trợ gia cố các vách hang và hệ thống đê bao vòng quanh chân cụm đảo nhằm giúp xử lý độ ổn định chân đế hòn Trống Mái… theo nguyên tắc hạn chế tác động tối đa, song song với bảo tồn, không làm thay đổi cảnh quan của hòn Trống Mái.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng có giải pháp phân luồng, thời gian và tốc độ lưu thông của phương tiện qua lại cho phù hợp, nhằm giảm thiểu tác động xâm thực, ăn mòn, gây ảnh hưởng đến an toàn, sự ổn định của hòn Trống Mái.
Hiện nay, Ban quản lý vịnh Hạ Long đang phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh triển khai tuyên truyền đến các chi hội tàu du lịch, các chủ tàu, thuyền, cano vận chuyển khách, hướng dẫn viên, khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long chung tay bảo tồn hòn Trống Mái, các phương tiện thuỷ khi hoạt động tại khu vực hòn Trống Mái thực hiện giảm tốc độ xuống dưới 10km/h trong phạm vi 200m và giữ khoảng cách tối thiểu 100m đối với hòn Trống Mái. Đồng thời Ban Quản lý Vịnh sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái trên cơ sở tuân thủ đúng các quy trình, quy định của Luật pháp Việt Nam và hướng dẫn của Công ước quốc tế.
Hy vọng với những giải pháp trước mắt và lâu dài đang được Quảng Ninh gấp rút thực hiện sẽ có hiệu quả thiết thực, bảo vệ bền vững hòn Trống Mái nói riêng và Vịnh Hạ Long nói chung.