Đẩy mạnh truyền thông về du lịch

10:56 - Thứ Tư, 22/11/2023 Lượt xem: 6677 In bài viết

4 tháng vừa qua, Việt Nam liên tiếp đón hơn 1 triệu khách quốc tế mỗi tháng, nâng tổng số khách quốc tế tính đến tháng 10/2023 đạt gần 10 triệu lượt, vượt xa so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Thế nhưng con số này mới chỉ tương đương 69% so với năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19, trong khi thị trường khách du lịch trong nước đang có dấu hiệu chững lại sau giai đoạn tăng trưởng mạnh. Như vậy, du lịch Việt Nam còn nhiều việc phải làm để tiếp tục đà phục hồi và bứt tốc, trong đó công tác truyền thông, quảng bá giữ vai trò quan trọng.

Ðẩy mạnh truyền thông là giải pháp quan trọng giúp thu hút khách. Trong ảnh: Du khách tìm hiểu thông tin du lịch tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2023. (Ảnh T.HÀ)

Chia sẻ tại tọa đàm “Ðẩy mạnh công tác truyền thông du lịch” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội Vũ Thế Bình nhận định: Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và tác động nhiều mặt đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc quảng bá sản phẩm, định hướng tiêu dùng và điều chỉnh hành vi của các bên liên quan vì thế không thể thiếu vắng vai trò của truyền thông du lịch, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Khi quan hệ giao thương giữa các vùng, các quốc gia ngày càng phát triển, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ khiến việc di chuyển, đi lại để tham quan, du lịch càng dễ dàng, thì nhiệm vụ của truyền thông du lịch không chỉ là giới thiệu các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ mà còn là tư vấn, định hướng, giúp du khách giải quyết được những vấn đề đặt ra cho chuyến đi và nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của họ.

Du lịch chính là cầu nối, là mắt xích không thể tách rời trong phát triển du lịch. Một mặt, truyền thông giúp tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Ðảng, Nhà nước về du lịch; hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp quảng bá về điểm đến, sản phẩm du lịch đến công chúng.

Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, Nguyễn Công Hoan

Mặt khác, truyền thông giúp đưa tiếng nói của du khách, cộng đồng đến với các cơ quan nhà nước để từ đó hiểu rõ hơn xu hướng, sự biến động của thị trường hay nhu cầu, nguyện vọng của du khách, doanh nghiệp, người dân và có những điều chỉnh về chính sách cho phù hợp. Thông qua truyền thông, các doanh nghiệp cũng nắm bắt được những phản ứng của thị trường để có kế hoạch quảng bá hiệu quả hơn cũng như xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn.

Thời gian qua, triển khai đề án tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều địa phương, doanh nghiệp nỗ lực đổi mới cách thức, nội dung và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong thông tin, truyền thông về du lịch.

Bên cạnh chú trọng đăng tải các thông tin quảng bá về hình ảnh đất nước, con người và tiềm năng du lịch Việt Nam qua các phương tiện thông tin đại chúng, công tác truyền thông về du lịch cũng được đơn vị lồng ghép trong nhiều hoạt động, sự kiện như các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; kết hợp truyền tải các thông điệp về du lịch Việt Nam qua hệ thống mạng xã hội...

Nhờ đó, mức độ nhận diện du lịch Việt Nam cũng như uy tín thương hiệu du lịch quốc gia ngày càng được tăng cường trên bản đồ du lịch thế giới. Ngành kinh tế xanh Việt Nam liên tiếp ghi dấu ấn bằng nhiều giải thưởng du lịch quốc tế...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công tác truyền thông du lịch của Việt Nam thời gian qua vẫn theo kiểu riêng lẻ, mạnh ai nấy làm, không có “nhạc trưởng” điều phối nên chưa thật sự tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, làm giảm tác động và sức ảnh hưởng của chính sách chung. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chiến lược truyền thông quốc gia về du lịch với sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn, giúp các địa phương, doanh nghiệp dựa vào đó xây dựng kế hoạch, bước đi cụ thể, từ đó tạo sức mạnh tổng thể cũng như điểm nhấn cho công tác truyền thông, xúc tiến và quảng bá du lịch.

Trong quá trình đó, không thể không chú trọng vai trò của truyền thông báo chí, bởi đây vẫn là kênh truyền thông chủ yếu giúp tuyên truyền, giới thiệu những thông tin chính thống về du lịch, góp phần tích cực nâng cao nhận thức về du lịch cho các cấp, ngành và toàn xã hội, lan tỏa hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đồng thời, đưa ra những tiếng nói phản biện để du lịch Việt Nam cải thiện, khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

Nhiều ý kiến cho rằng, có những thời điểm, thông tin về du lịch và về ngành chưa thật sự chuẩn xác, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành; một số thông tin tiêu cực trong hoạt động du lịch đôi khi bị đẩy lên quá mức, thậm chí vô tình làm ảnh hưởng đến tâm lý của du khách, làm giảm sức hút điểm đến Việt Nam.

Ðể hạn chế điều này, ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, cần phải đẩy mạnh truyền thông có trách nhiệm, truyền thông đúng mực. “Nếu chúng ta truyền thông một vấn đề quá mức, quá tốt hay quá xấu, đều làm ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Việt Nam. Chẳng hạn, khi bàn về kinh tế đêm, không thể khẳng định kinh tế đêm giải quyết được hết các vấn đề của ngành du lịch vì thực tế không phải ở đâu, khi nào phát triển kinh tế đêm cũng mang lại hiệu quả” - ông Trí nêu thí dụ.

Theo ông Trí, đưa thông tin về du lịch Việt Nam cần dựa trên tính tổng thể, xem xét thông tin đưa ra là để thúc đẩy cho sự phát triển du lịch, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Từ góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Hoan nhận định: Bước sang năm 2024, để đón được lượng khách lớn, ngành du lịch sẽ phải thực hiện chiến dịch truyền thông có quy mô lớn hơn nhiều, và để làm được điều này cần đến chi phí truyền thông. Lâu nay, ngành du lịch vẫn luôn đặt ra mục tiêu về lượng khách, doanh thu, nhưng lại chưa xác định rõ mức chi cho truyền thông, xúc tiến. Vì thế, cần lượng hóa được nguồn kinh phí này để có kế hoạch phù hợp, xác định rõ kinh phí đó huy động từ nguồn nào (Nhà nước, chính quyền địa phương, điểm đến doanh nghiệp), được phân bổ ra sao..., sử dụng như thế nào để truyền thông, xúc tiến về sản phẩm du lịch và thị trường du lịch.

Trong bối cảnh các phương tiện truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, tác động tới thói quen đi du lịch của du khách toàn cầu theo hướng gia tăng mức độ tương tác với điểm đến, ngành du lịch cũng cần đẩy mạnh truyền thông qua những phương tiện mới, đặc biệt là mạng xã hội.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top