Phát triển du lịch gắn liền với gìn giữ văn hóa truyền thống

16:38 - Thứ Năm, 14/12/2023 Lượt xem: 5997 In bài viết

Lợi thế về tự nhiên, văn hóa truyền thống đa màu sắc, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đã và đang giúp du lịch tại huyện miền núi Mai Châu của tỉnh Hòa Bình có những bước phát triển đáng khích lệ, đồng thời, nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Thái tại địa phương.

Trong những năm gần đây, Mai Châu được xem là một điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua đối với khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Hòa Bình bởi sự kết hợp hài hòa giữa sơn thủy hữu tình, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với những nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa.

Chị Ambra Manera, du khách Italy, đang dạo qua những quầy hàng với tràn ngập sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người dân tộc tại Xóm Nhót, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, bất ngờ được các chị, các mế người Thái mời tham gia múa sạp. Từ những ngại ngùng, bỡ ngỡ ban đầu, bước chân của nữ du khách phương xa đã dần bắt kịp với mỗi nhịp sạp con, sạp cái gõ đều theo tiếng nhạc. "Tôi thực sự ấn tượng với sự yên bình và mộc mạc tại đây", chị Manera, người mới lần đầu tiên đặt chân đến một tỉnh phía Bắc ở Việt Nam cho biết.

Ảnh minh họa.

Ông Francois Martine, cùng với 5 thành viên nhóm khách du lịch từ Pháp, bày tỏ hào hứng, thích thú khi được hòa nhịp cùng bà con dân tộc Thái ở xóm Nhót trong điệu nhảy sạp và được tìm hiểu về văn hóa "keeng loóng", một hình thức trình diễn dân gian của người Thái đã được công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia". Những du khách nước ngoài vui vẻ ghi lại trải nghiệm thú vị và cho biết rất ngạc nhiên với khả năng sáng tạo đặc biệt của người dân địa phương. "Thật thú vị khi thấy chỉ với những chiếc gậy, với một cây gỗ to, những người dân tại đây lại có thể múa nhiều điệu khác nhau, tạo nên những âm thanh sôi động và cuốn hút như vậy", du khách Pháp nói.

Chị Hà Thị Yên, 40 tuổi, chủ cơ sở kinh doanh tại Bản Nhót, xã Nà Phòn, niềm nở đón đoàn khách ghé thăm, cho biết nhiều hộ gia đình trong bản đã chuyển đổi sang kết hợp làm dịch vụ bên cạnh sản xuất nông nghiệp. Hầu hết những mặt hàng bày bán tại cửa hàng của chị đều do người dân địa phương tự sản xuất, đa dạng về thể loại và mẫu mã, từ những chiếc áo, khăn thổ cẩm đến những chiếc túi thêu tay tỉ mỉ, sặc sỡ. Nhiều hộ đã tăng đáng kể nguồn thu nhập nhờ du lịch, xây được nhà, mua được xe, con cái được đi học đầy đủ, chị Yên nói thêm.

Ông Hà Văn Ngân, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, cho biết, công tác bảo tồn văn hóa tại xã nhà trong thời gian qua nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như các cấp chính quyền tỉnh, huyện. Trên địa bàn xã đã có các câu lạc bộ "keeng loóng", "Khắp Thái" (một lối hát truyền thống của đồng bào Thái), phần lớn do người dân địa phương tự thành lập và duy trì. Chính quyền xã cũng nỗ lực đưa ra những hoạch định hàng năm về bảo tồn di sản, phát triển du lịch, nhận được sự quan tâm và đầu tư từ các cấp.

Nà Phòn là xã thuộc diện 135, có gần 790 hộ dân, hơn 3.300 nhân khẩu, dân tộc Thái chiếm 98%. Trong những năm qua, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt là về kinh tế cũng như nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước. Trong năm 2022, xã có đến 183 hộ nghèo, nhưng năm 2023, con số này đã giảm gần một nửa, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 42 triệu đồng/người/năm. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã đồng tâm, nỗ lực bứt phá để sớm đạt các tiêu chí được công nhận "xã nông thôn mới". Từ sản xuất thuần nông, hiện nay, người dân đã chuyển dịch sang kết hợp với các hoạt động du lịch, dịch vụ. Hiện nay, địa bàn xã có một số dự án phát triển du lịch và dịch vụ đang được triển khai, ông Hà Văn Ngân hy vọng khi hoàn thành, những dự án này có thể tạo việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống của người dân địa phương.

Một điều đáng mừng khác bên cạnh những cải thiện về đời sống kinh tế, bà con Thái tại Nà Phòn đã am hiểu hơn về pháp luật, những chính sách về dân tộc cũng như phương pháp chuyển đổi sinh kế. Để có được kết quả này, không thể không kể đến sự đóng góp của lực lượng Công an xã. Từ năm 2020, với sự triển khai của lực lượng Công an chính quy về địa phương, tình hình an ninh trật tự tại địa bàn xã đã được đảm bảo, người dân yên tâm làm việc, phát triển kinh tế. Lực lượng Công an xã đã nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các loại tội phạm, không để phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự, bên cạnh đó, phối hợp với các đoàn thể địa phương đến tận từng hộ dân vận động, tuyên truyền bà con từ bỏ những hủ tục mê tín dị đoan, không sinh con thứ ba, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, ông Hà Văn Ngân chia sẻ. Chị Lò Thị Mai, chủ cơ sở lưu trú tại Nà Phòn, cho biết, chị và các thành viên trong gia đình từng gặp nhiều khó khăn khi công việc đồng áng không đủ nuôi miệng ăn, phải lên thành phố kiếm việc làm mỗi khi hết mùa vụ nhưng cuộc sống vẫn rất bấp bênh.

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 xảy ra, chị và nhiều lao động địa phương khác lại càng điêu đứng. Sau khi hết dịch, được sự động viên của chính quyền xã, chị mạnh dạn vay vốn và kết hợp sản xuất nông nghiệp với dịch vụ lưu trú. Đến nay, khi hoạt động du lịch đã phục hồi, lượng khách ghé thăm cơ sở của chị cũng ổn định, mang lại nguồn thu tốt cho gia đình. Tận dụng những thế mạnh về tự nhiên và văn hóa, không chỉ Nà Phòn mà nhiều xã tại Mai Châu đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Tiếng lành bay xa, lượng du khách đến với Mai Châu tăng theo từng năm. Doanh thu từ du lịch đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, xã của huyện. Đầu năm 2023, Mai Châu nằm trong 10 địa điểm thân thiện nhất Việt Nam của Giải thưởng Traveller Review Award.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top